Cảm ơn quý vị đã ghé thăm blog! Chúc quý vị có giây phút vui vẻ!

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Mục tiêu hay thành quả của giáo dục là gì?



3. Mục tiêu hay thành quả của giáo dục là gì?
Mục tiêu là giáo dục con người để trở thành công dân có trách nhiệm và hữu ích cho gia đình và xã hội. Con người được giáo dục đúng mức sẽ trở thành người con hiếu thảo, cha mẹ yêu thương và có trách nhiệm với con cái và gia đình, vợ chồng yêu thương và có trách nhiệm với nhau. Ngoài xã hội, người có giáo dục – nhờ có kỹ năng học hỏi được – sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc tạo ra, tích trữ của cải cho xã hội, đóng góp vào ngân quỹ quốc gia; lãnh đạo, xây dựng, cải tiến xã hội trở nên một môi trường sinh sống tươi đẹp hơn, văn minh hơn, phồn thịnh hơn.
Đặc biệt, người có giáo dục sẽ biết quý trọng những sản phẩm họ và đồng nghiệp tạo ra, có trách nhiệm hơn khi những sai trái có thể xảy ra. Họ sẽ trân trọng đồng tiền do chính mồ hôi và trí óc họ làm nên, và kính trọng sự hy sinh – đôi khi cả sinh mạng – của người khác đang bảo vệ trật tự công cộng, và an ninh quốc gia. Người có giáo dục sẽ biết quý trọng văn hóa của dân tộc họ cũng như những cái hay của người ngoài.
Ngoài ra, người có giáo dục sẽ cố tránh làm những điều trái lương tâm và vi phạm pháp luật. Họ sẽ cảm thấy xấu hổ khi làm điều gì trái với lương tâm, sẽ bị pháp luật nghiêm xử khi phạm pháp. Mặt khác, những ràng buộc của xã hội sẽ làm cho công chức và thương gia phải chịu trách nhiệm trước người dân và người tiêu dùng. Mặt khác, nhờ giáo dục, lương tâm nghề nghiệp và những ràng buộc của xã hội sẽ làm cho công chức và thương gia phải đắn đo hơn trước những hành động của mình, và chịu trách nhiệm nhiều hơntrước người dân và người tiêu dùng.
Thành quả lý tưởng – đôi khi không tưởng – của giáo dục là một xã hội hướng thiện, trong đó đời sống vật chất càng đầy đủ hơn, sức khỏe con người được chăm sóc tốt hơn, và nhất là con người không quá coi trọng vật chất, sống hợp đạo nghĩa, tôn trọng pháp luật và giá trị nhân văn.
 
4. Giáo dục bao gồm những môi trường nào?
Ba môi trường giáo dục là: gia đình, học đường (hay nhà trường), và xã hội. Gia đình là cái nôi hoàn thiện nhất để nuôi dạy con trẻ. Tình thương và sự chăm sóc ân cần của cha mẹ – và đôi khi ông bà, chú cô, cậu dì – có kiến thức, sẽ cho con trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc, và tự tin. Khi lớn lên, xã hội là môi trường sống và làm việc suốt phần còn lại của cuộc đời mà con người va chạm, học hỏi điều hay và đôi khi sa ngã vào những tệ nạn. Xã hội chính là môi trường giáo dục phổ quát nhất mà con người học hỏi, thụ hưởng, hay phải chịu đựng hàng ngày.
Vì cuộc sống bận rộn và khó khăn, việc khoán giáo dục con cái cho nhà trường là chuyện thường tình. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng vào giáo dục học đường sẽ không giải quyết tận gốc rễ sự suy thoái giáo dục. Nếu cha mẹ không có thì giờ chăm sóc, thương yêu con cái, sẽ rất khó dạy con nên người. Nếu cha mẹ kiếm tiền một cách bất chính, bất lương, trách sao con cái không sống cuộc đời lương thiện?
5. Giáo dục học đường cụ thể bao gồm những đề tài gì?
Người viết xin mạn phép đưa ra một số ý niệm ban đầu làm đề tài cùng suy ngẫm.
·         Mẫu giáo phải nhấn mạnh trung thực và bác ái.
·         Tiểu học phải bao gồm giáo huấn gia đình, vệ sinh thường thức, thể dục, và kiến thức tổng quát về địa lý, thiên nhiên.
·         Trung học phải hàm chứa giáo dục công dân, tâm sinh lý con người, cũng như kiến thức tổng quát về chính trị và lịch sử thế giới. Nói chung, giáo dục phổ thông phải quảng bá, miễn phí, và bao gồm đức dục, trí dục, và thể dục.
·         Giáo dục cao đẳng phải chú trọng hướng nghiệp.
·         Giáo dục đại học phải đặt trọng tâm vào khoa học kỹ thuật (sciences) và khoa học nhân văn (humanity); và bao gồm giảng dạy, nghiên cứu song song với phản biện, và quản trị.
Để chấn hưng, những yếu tố kết thành nền tảng giáo dục cho mọi lứa tuổi và mọi trình độ phải được phát triển bằng cái Tâm hướng thiện của người thầy cũng như người quản trị. Với một tư duy đúng đắn, từ nền tảng giáo dục căn bản mang sắc thái dân tộc, những kiến thức hay của nhân loại, những phương pháp nghiên cứu, giảng dạy, và quản trị cấp tiến sẽ được xây dựng lên, bổ sung vào, không nhất thiết phải theo mô hình Mỹ, Âu, Úc, hay Á.
Những sai lầm làm tha hóa giáo dục.

Trở lại vấn đề giáo dục hiện nay của ta, điều tôi lo lằng nhất là sự tha hóa trầm trọng của nó. Nói khủng hoảng nhưng nét chính của khủng hoảng ấy là sự tha hóa, biến chất. Giáo dục có nguy cơ trở thành phản giáo dục. Có nhiều nguyên nhân nhưng trực tiếp làm tha hóa giáo dục có ba sai lầm lớn mà tôi gọi là sai lầm hệ thống trong quản lý giáo dục.
Có thể nói không quá đáng tất cả những căn bệnh trầm trọng: gian dối, tiêu cực, dối trá, lãng phí, quan liêu… hiện đã đi vào xương tủy của giáo dục mà không một phong trào “nói không” nào có thể chữa trị được đều có nguồn gốc sâu xa liên quan tới sai lầm trong chính sách đối với người thầy.
1. Chính sách đối với người thầy. Đó là sai lầm đầu tiên và tai hại nhất do quan niệm lệch lạc về sứ mạng và vai trò người thầy trong nền giáo dục hiện đại. Phản ứng lại tư duy lạc hậu trong nhà trường cũ, gán cho thầy quyền uy tuyệt đối, biến giáo dục thành quá trình truyền đạt và tiếp thu hoàn toàn thụ động, là đúng. Nhưng từ đó đã xuất hiện tư duy cực đoan ngược lại, phủ nhận vai trò then chốt của thầy đối với chất lượng giáo dục. Với cách hiểu giáo dục thô sơ nặng về cảm tính, khi thì nhấn mạnh một chiều “học sinh là trung tâm”, khi khác tôn chương trình, sách giáo khoa lên địa vị “linh hồn giáo dục”, nhận định chất lượng đại học thấp “không phải do thầy mà do chương trình”, v.v... dẫn đến hoàn toàn xem thường việc xây dựng đội ngũ thầy giáo theo chuẩn mực chuyên môn và đạo đức hiện đại. Trong mọi khâu từ tuyển chọn đến sử dụng và bồi dưỡng người thầy, khâu nào cũng phạm sai lầm lớn. Đặc biệt tệ hại là chính sách lương. Ngay từ đầu đã bỏ qua kinh nghiệm muôn thuở “có thực mới vực được đạo”, trả lương cho thầy cô giáo dưới mức sống hợp lý, lấy cớ ngân sách eo hẹp (thật ra chỉ là do tham nhũng và sử dụng ngân sách không hợp lý), bỏ mặc các thầy cô “tự cứu” kiếm thêm thu nhập bằng mọi cách (dạy thêm, làm thêm, đến nỗi không hiếm giảng viên đại học dạy sô trên 30 giờ/tuần). Có thể nói không quá đáng tất cả những căn bệnh trầm trọng: gian dối, tiêu cực, dối trá, lãng phí, quan liêu… hiện đã đi vào xương tủy của giáo dục mà không một phong trào “nói không” nào có thể chữa trị được đều có nguồn gốc sâu xa liên quan tới cái lỗi hệ thống cơ bản này.
2. Tập trung tất cả việc dạy và học vào thi cử, nói rõ hơn là thay vì thi, kiểm tra thường xuyên nghiêm túc từng học phần để bảo đảm kết quả học tập vững chắc và thực chất thì dồn hết cố gắng vào các kỳ thi tốt nghiệp, thi “quốc gia” nặng nề, căng thẳng, rất hình thức mà thiếu nghiêm túc, sinh ra hội chứng thi rất đặc biệt của giáo dục VN: gần thi mới lo học, học đối phó, học nhồi nhét chỉ cốt để thi, thi cái gì học cái nấy, thi thế nào học thế ấy, chủ yếu là học thuộc lòng các loại bài mẫu, các đáp án mẫu. Trước đây thi theo bộ đề thi cho sẵn, nay bộ đề thi biến tướng thành các bảng “cấu trúc đề thi”. Nghĩa là tư duy có thay đổi gì đâu, hai mươi năm trời, tốn bao công nghiên cứu, cuối cùng trở lại gần như điểm xuất phát, dưới một hình thức có vẻ mới để che dấu một phương pháp cổ lỗ. Lại còn chuyện thi trắc nghiệm, thi tự luận. Người ta thi trắc nghiệm với một mục đích khác, ta không nghiên cứu kỹ, đưa ra áp dụng đại trà vào thi tốt nghiệp THPT trong khi trình độ chuyên nghiệp về kiểu thi này còn chưa bảo đảm, cho nên gây tốn kém và làm khổ cả học sinh lẫn thầy giáo. Rồi đùng một cái cấm các trường không được áp dụng hình thức trắc nghiệm khi thi học kỳ, làm cả thầy và trò hoang mang, không hiểu giáo dục là cái gì mà có thể quản lý tùy tiện như thế. Đem việc học phụ thuộc vào việc thi, khiến thi chứ không phải học trở thành hoạt động giáo dục chủ yếu, đến mức muốn hiểu thực chất giáo dục VN như thế nào chỉ cần quan sát hoạt động của nhà trường và xã hội trong mùa thi. Từ kiểu thi nhiêu khê đẻ ra những dich vụ kỳ lạ hiếm thấy: kỹ nghệ “phao” thi, thi thuê, viết luận án thuê, làm bằng giả, bằng thật nhưng học giả, v.v... Cho nên chừng nào còn duy trì kiểu học và thi này thì xã hội còn phải trả giá nặng nề cho sự tụt hậu của giáo dục. Chưa kể nếu tính hết mọi khoản chi trực tiếp và gián tiếp phục vụ cho các kỳ thi thì lãng phí lên tới con số khủng khiếp, bình thường đã khó chấp nhận, với tình hình kinh tế khó khăn như lúc này càng khó chấp nhận hơn. Nhiều nước như Trung Quốc hay Hàn Quốc, thi còn nhẹ nhàng hơn ta mà họ đã phê phán cái “địa ngục thi cử” của họ, còn thi cử như ta không biết phải gọi là cái địa ngục gì.

3. Chạy theo số lượng, hy sinh chất lượng, bất chấp mọi chuẩn mực, thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, khiến việc hội nhập khó khăn và không cạnh tranh nổi ngay với các nước trong khu vực. Đây chính là bệnh thành tích, chứ không là gì khác. Phát triển số lượng thì dễ, nhất là khi người dân còn khát học tập như trong xã hội ta. Chỉ đảm bảo chất lượng mới khó, vậy nên cứ chọn cái dễ mà làm, dễ gây ấn tượng, dễ báo cáo thành tích. Trên đã vậy thì làm sao chống được bệnh thành tích ở dưới. Trong hoàn cảnh ấy mà có người còn bênh vực bệnh thành tích, viện lẽ chỉ nhấn mạnh chất lượng lúc này là xa xỉ (!), thì thật không hiểu nổi ta muốn phát triển giáo dục và khoa học theo kiểu nào. Nguy hại là căn bệnh này nghiêm trọng nhất ở cấp đại học và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn, công nhận GS, PGS. Trong thời đại toàn cầu hóa, muốn hội nhập thành công, phải hiểu biết và tôn trọng luật chơi, trước hết là các quy tắc, chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Thế nhưng từ các chuẩn mực thông thường nhất về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, cho đến việc tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, đánh giá công trình nghiên cứu khoa hoc, đánh giá các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn, đánh giá GS, PGS, đánh giá các đại học... phần lớn đều không theo những chuẩn mực quốc tế mà dựa vào những tiêu chí tự sáng tác, nặng về cảm tính thô sơ, rất thấp và rất khác so với quốc tế, thiếu khách quan, thiếu căn cứ khoa học, thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng mưu lợi ích riêng cho từng nhóm thay vì phục vụ sự nghiệp chung. Sự thiếu hiểu biết và coi thường các chuẩn mực quốc tế thể hiện trong mọi chủ trương xây dựng đại học, cho đến gần đây nhất vẫn rất chủ quan. “Điếc không sợ súng” đó là căn bệnh cố hữu của ngành giáo dục.

Tất cả các sai lầm hệ thống nêu trên khiến giáo dục dần dần biến chất, xuống cấp, xa rời tất cả những giá trị cao quý còn sót lại từ quá khứ. Xu hướng tha hóa ấy phát triển có nguy cơ đẻ ra một nền giáo dục phản giáo dục.  

Không có nhận xét nào: