Cảm ơn quý vị đã ghé thăm blog! Chúc quý vị có giây phút vui vẻ!

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Các vấn đề dân chủ



Các vn đề dân chủ

1. Dân chủ là gì ?

Trong đời sống, mỗi chúng ta đều thuộc về một nhóm hay một tập thể, kể đi từ gia đình đến quốc gia và dân tộc, từ phường khóm đến câu lạc bộ hay xí nghiệp. Trong những tập thể dù lớn hay nhỏ này, có những việc phải quyết định liên quan đến toàn thể, ví dụ như quyết định về mục tiêu, về nội quy hay về sự phân chia trách nhiệm và quyền lợi giữa những thành viên. Những quyết định này được xem là của tập thể để phân biệt với những quyết định cá nhân, chỉ liên quan đến riêng cá nhân ấy mà thôi.
Dân chủ là một thuộc tính của diễn trình lấy quyết định tập thể. Dân chủ là hiện thân của lý tưởng, theo đó, những quyết định liên quan đến tập thể phải được thông qua tất cả các thành viên của tập thể đó, mỗi thành viên đều có quyền được tham gia như nhau vào diễn trình lấy quyết định. Nói một cách khác, dân chủ đòi hỏi phải tôn trọng hai nguyên tắc được xem là căn bản như nhau sau đây: một là sự kiểm soát của quần chúng trên diễn trình lấy quyết định tập thể và hai là mỗi người đều có quyền ngang nhau khi thi hành việc kiểm soát đó. Một tập thể được gọi là dân chủ nếu mọi vấn đề liên quan đến tập thể đó đều được quyết định dựa trên hai nguyên tắc vừa nêu.
Một định nghĩa như vậy về dân chủ sẽ dẫn đến hai hệ quả. Thứ nhất, dân chủ sẽ không chỉ là thuộc tính của quốc gia hay của cơ quan quyền lực như người ta thường nghĩ, mặc dù trong thực tế, dân chủ trên bình diện quốc gia liên quan chặt chẽ với dân chủ biểu hiện trong các cơ cấu khác của xã hội. Nếu xem quốc gia như một hiệp hội với tầm hoạt động rộng lớn nhất, bao gồm quyền điều phối các công việc của toàn xã hội và khả năng tăng thuế, thì quả dân chủ ở bình diện quốc gia mang một tầm quan trọng đặc biệt. Do đó chúng ta sẽ lưu tâm xem xét kỹ đến những vấn đề dân chủ của những chính quyền.
Hệ quả thứ hai là dân chủ không thể được đo lường đơn giản theo cách hoặc có hoặc không và cũng không thể áp dụng loại tiêu chuẩn này để xét đoán xem một tập thể, bất kỳ loại nào, có hoàn toàn dân chủ hay không. Ðúng ra đây là vấn đề mức độ. Một mặt dân chủ phụ thuộc vào việc áp dụng các nguyên tắc về sự kiểm soát của dân chúng và về quyền bình đẳng chính trị, mặt khác dân chủ còn tùy thuộc vào mức độ thực hiện lý tưởng bình đẳng tham gia vào diễn trình lấy quyết định. Thông thường chúng ta đánh giá một quốc gia là có dân chủ nếu những nhà lãnh đạo quốc gia đó biết đặt hành động của họ dưới sự chấp thuận của dân chúng thông qua những cuộc bầu cử tự do để dân chúng chọn lựa người cầm quyền giữa các ứng cử viên khác nhau.
Như vậy phẩm chất dân chủ của một quốc gia được đánh giá qua việc các công dân trưởng thành của quốc gia đó có quyền bầu cử và ứng cử như nhau và việc các quyền công dân và chính trị được bảo vệ bởi luật pháp. Thực ra ngay cả tại các quốc gia thuộc dạng vừa kể, hai nguyên tắc về sự kiểm soát của quần chúng và về sự bình đẳng chính trị cũng chưa được tôn trọng tuyệt đối. Nhìn như vậy, tiến trình dân chủ hóa sẽ không bao giờ được hoàn tất; vì lẽ đó mà những con người dân chủ trên toàn thế giới, bất kể họ sống trong chế độ hoặc thể chế chính trị nào, vẫn tiếp tục tranh đấu để củng cố và phát huy việc áp dụng các nguyên tắc dân chủ.

2. Tại sao phải gắn bó với dân chủ ?

Sự gắn bó chính đáng với dân chủ có thể được biện minh bằng nhiều lý do, sau đây là 5 lý do quan trọng nhất.

(a) Mục đích của dân chủ là đem lại cho mọi cá nhân một sự đối xử như nhau. Nhà Hiến pháp học Jeremy Bentham viết rằng: "mỗi người chỉ được tính là một và không ai được tính hơn một" để phản bác lại lập luận của một số quý tộc cho rằng mạng sống của một số cá nhân nào đó quan trọng hơn của những người dân khác. Nguyên tắc bình đẳng này không chỉ nói lên rằng các chính sách chung phải nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người một cách như nhau mà còn cho thấy những quan điểm cá nhân cũng phải được tôn trọng như nhau, không có phân biệt giữa người này kẻ khác..
Trong một vở tuồng của Euripide, một công dân thành Athènes đã tuyên bố rằng: "chúng ta không chấp nhận trao quyền lực đặc biệt cho sự giàu có; tiếng nói của người nghèo cũng không ít quan trọng hơn của người khác". Những người chống dân chủ luôn cho rằng đám đông quá thiếu kiến thức, thiếu học và thiển cận để có thể tham gia dưới một hình thức nào đó vào việc xây dựng chính sách. Do đó người dân chủ phải trả lời rằng nếu quả thực là quần chúng cần thông tin và cần thời giờ để hiểu nó, thì họ sẽ đủ khả năng để hành động một cách có trách nhiệm một khi tình thế đòi hỏi. Tất cả mọi người trưởng thành phải được xem như có trách nhiệm về lối sống của họ cũng như có khả năng tham gia vào những quyết định liên quan đến đời sống xã hội của họ.

(b) Một chính quyền thuộc loại dân chủ dễ thỏa mãn nhu cầu của những dân thường hơn bất cứ loại chính quyền nào khác. Càng kéo nhiều người cùng tham gia vào việc định chính sách, chính sách càng dễ phản ánh những bận tâm và khát vọng của họ. Một ngạn ngữ cổ của Hy Lạp đã chẳng cho rằng "nếu người thợ làm ra đôi giày thì chỉ kẻ mang nó mới biết có vừa không". Trong thực tế chính người dân thường là kẻ phải gánh chịu hậu quả của chính sách. Người làm chính sách chỉ rút được kinh nghiệm khi quần chúng được trang bị những phương tiện tốt và hữu hiệu để có thể gây những ảnh hưởng và áp lực cần thiết. Nếu dân chúng không có cách gì để tạo ảnh hưởng hoặc kiểm soát những người có chức quyền, cho dù họ có ý tốt, thì những chính sách của họ, nếu khá, cũng không thể thích ứng được với nhu cầu của dân chúng, còn nếu xấu thì những chính sách này sẽ chỉ là con đẻ của tham nhũng hoặc chỉ để phục vụ quyền lợi cá nhân.

(c) Dân chủ dựa trên sự tranh luận, sự thuyết phục và sự thỏa thuận. Khi tranh luận trong chế độ dân chủ, điều quan trọng không chỉ là sự có mặt của những quan niệm hoặc quyền lợi khác nhau đại diện cho phần đông những khuynh hướng lớn mà còn là sự tôn trọng quyền được phát biểu một quan điểm khác biệt và quyền được lắng nghe. Như vậy dân chủ chấp nhận sự đa dạng và đa nguyên trong xã hội cũng như sự bình đẳng giữa các công dân. Gặp sự biểu hiện đa dạng này, những khác biệt quan điểm phải được giải quyết bằng sự tranh luận, sự thuyết phục và sự thỏa thuận chứ không phải bằng sự cưỡng bức hoặc bằng sự xác định quyền lực một cách đơn thuần. Người ta thường diễu các chế độ dân chủ đại diện như những bộ máy chuyên nói ba láp. Ðáng lý ra khả năng tổ chức tranh luận công khai của những chế độ này cần phải đáng được khen hơn là bị chê bởi tranh luận là phương tiện tốt nhất để tìm đồng thuận cho các chính sách và tranh luận không nhất thiết cản trở việc hoạt động hiệu quả.

(d) Dân chủ bảo đảm việc tôn trọng các quyền tự do căn bản. Không thể có tự do tranh luận -một phương tiện để bày tỏ và giải quyết những khác biệt trong xã hội- nếu những quyền tự do đó không được bảo vệ bởi những quy định về quyền công dân và quyền chính trị như: quyền tự do phát biểu, tự do lập hội, tự do đi lại và quyền được an toàn. Người ta có thể tin rằng chế độ dân chủ sẽ bảo vệ những quyền này bởi thiếu chúng cỗ máy dân chủ không thể hoạt động được. Nếu thực hiện một cách lý tưởng những quyền căn bản này, cá nhân sẽ phát triển và những quyết định tập thể sẽ dễ đạt được hơn khi bị đem ra đối chất với nhiều lý luận và chứng cứ khác.

(e) Dân chủ sẽ đem lại sự đổi mới xã hội. Bằng cách cho phép loại bỏ những chính sách hoặc những người lãnh đạo bị thất bại hay đã hết hữu hiệu theo một tiến trình nề nếp và ôn hòa, những chế độ dân chủ sẽ có khả năng bảo đảm sự đổi mới của xã hội và sự tiếp nối giữa các thế hệ mà không tạo ra đảo lộn đáng kể nào hoặc làm rối loạn sinh hoạt quốc gia như thường xảy ra mỗi khi những người cầm quyền trong những chế độ phi dân chủ bị gạt bỏ.

3. Nguồn gốc của ý tưởng dân chủ

Trong suốt lịch sử loài người, quan niệm cho rằng người dân phải có quyền tham gia vào các quyết định liên quan đến số phận của họ đã trở thành một khát vọng của nhiều xã hội. Chính tại Athènes vào thế kỷ thứ V và VI trước Thiên Chúa mà nguyên tắc này được nâng lên thành cơ chế. Khi quy định về việc các ứng cử viên vào các chức vụ công cộng phải là sở hữu chủ được bãi bỏ vào hồi đầu thế kỷ thứ V, tất cả mọi công dân của Cộng hòa Athènes đã được trực tiếp tham gia các cuộc luận bàn hoặc các cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện; Nghị viện này có nhiệm vụ định ra luật lệ và chính sách của tập thể. Ngoài ra mỗi người đều có thể tham gia vào việc điều hành đô thị (chú thích: Athènes khi ấy là quốc gia đô thị) tỷ dụ như tham gia bồi thẩm đoàn hoặc hội đồng đô thị; thành viên của những cơ chế này được bầu lại định kỳ bằng cách bốc thăm.
Từ đó đến nay, sự điều hành của nền dân chủ đầu tiên này luôn được tham chiếu và được xem là kiểu mẫu cho tất cả các nền dân chủ. Sự kiện một chính quyền dân chủ được xây dựng lên trong một giai đoạn mà Athènes xác định được ưu thế về kinh tế và hàng hải và trải qua một thời kỳ mà sự sáng tạo trong nghệ thuật và sự tư biện trong triết học nở rộ một cách phi thường đủ đánh đổ quan niệm của những người chống dân chủ, cho rằng việc để cho thường dân tham gia vào việc quản lý việc công sẽ dẫn đến hoặc một xã hội hoàn toàn đồng nhất hoặc một loại chính quyền vô trách nhiệm.

Nền dân chủ tại Athènes thực ra vừa có mặt hơn vừa có mặt kém dân chủ hơn những chế độ dân chủ mà chúng ta biết đến ngày nay. Nó dân chủ hơn ở chỗ các công dân được phép can thiệp trực tiếp vào các quyết định chính liên quan đến xã hội mà họ đang sống (phù hợp với nguyên tắc dân chủ trực tiếp) trong khi các chế độ dân chủ hiện nay đều dựa trên nguyên tắc đại diện gián tiếp, mà trong trường hợp tốt nhất, cũng chỉ cho phép một sự tham gia bậc hai vào diễn trình quyết định của chính quyền và quốc hội. Nhưng một chế độ dân chủ trực tiếp lại chỉ thực hiện được khi số lượng công dân còn tương đối nhỏ để có thể tụ họp lại tại một chỗ họp vừa đủ rộng, ngoài ra những công dân này lại phải có đủ thời giờ rảnh để tham gia một cách có ý thức vào việc bàn chọn chính sách. Ngày nay, chỉ xét về mặt dân số không thôi, bất kể dân số đó là bao nhiêu, chúng ta cũng thấy không điều nào trong hai đòi hỏi ở trên có thể thỏa mãn được. Tuy nhiên điều này không cấm ta tạo điều kiện để các công dân tham gia trực tiếp vào các quyết định ở bình diện quốc gia, tỷ dụ như qua bầu cử hoặc trưng cầu dân ý hay tạo cho họ có điều kiện tham gia liên tục vào các quyết định tại địa phương.

Ngược lại nền dân chủ tại Athènes kém dân chủ hơn các chế độ dân chủ ngày nay ở chỗ chỉ có những người "đàn ông tự do" mới được xem là công dân. Ðàn bà, nô lệ và ngoại kiều sống trong đô thị thời đó không có quyền công dân; họ phải làm việc nhà và sản xuất để các "ông công dân" có thể tham gia hoạt động chính trị. Ở đây rõ ràng người dân có được tham gia cai trị nhưng quyền tham gia này lại chỉ xuất phát từ hoàn cảnh tương đối ưu đãi của họ.
Cần nhắc lại rằng trong đa số các chế độ đại nghị Tây phương trước đây, quyền công dân cũng đã bị gắn liền với những hạn chế tương tự và chỉ đến đầu thế kỷ XX các hạn chế này mới bị hủy bỏ. Nguyên tắc "mọi quyền lực chính trị thuộc về nhân dân" dù đã được cuộc Cách mạng Pháp (1789) phổ biến nhưng đã không được áp dụng cho mọi người. Người đàn bà và những người vô sản đã phải chờ đến thế kỷ XX mới được công nhận quyền đi bỏ phiếu. Ngay cả ngày nay không phải ai cư trú tại một quốc gia, khi đến tuổi đi bầu cũng được phép tham gia các cuộc bầu cử, không cần biết rằng họ đóng góp như thế nào cho nền kinh tế quốc dân tại đó (thí dụ: các ngoại kiều).

4. Chế độ đại nghị có thực sự dân chủ không?

Jean Jacques Rousseau, một triết gia Pháp ở thế kỷ XVIII, cho rằng chế độ đại nghị không thực sự dân chủ. Ông cho rằng trong chế độ đại nghị, dân chúng thực sự chỉ được tự do vào lúc bầu cử. Qua kỳ bầu cử, dân chúng lại trở về tình trạng bị phụ thuộc những người cai trị, không khác chi nô lệ. Thực ra đây chỉ là một dạng quá khích của luận đề cổ điển của những nhà phê bình cực tả cho rằng các chế độ đại nghị thực ra không dân chủ. Luận đề này ngược với luận đề của phe hữu cho rằng những chế độ đại nghị đã dành một vai trò quá lớn cho dân chúng.

Ðể trả lời những nhà phê bình này, chúng ta có thể nói rằng, cho đến ngày hôm nay, khi mà số những công dân tăng lên hàng triệu và thời giờ không còn cho phép họ thường xuyên tham gia công việc chính trị nữa thì chế độ đại nghị là chế độ tốt nhất được dựng lên để bảo đảm sự kiểm soát của dân chúng đối với người lãnh đạo. Trên lý thuyết, người dân thi hành sự kiểm soát của họ qua việc bầu lên một người lãnh đạo (tổng thống hay thủ tướng) và qua việc chọn lựa những dân biểu của quốc hội lập pháp, là những người được quyền thay mặt dân để thường xuyên kiểm soát chính phủ. Quốc hội này có những đặc quyền, chẳng hạn như chấp nhận hay bác bỏ một đạo luật hay chấp thuận chính sách thuế khóa. Song le sự kiểm soát của dân chúng có thực hay không là do các cuộc bầu cử có thực sự "tự do và công bằng" hay không, là do các hoạt động của bộ máy hành pháp có minh bạch hay không và do các quyền hạn trao cho quốc hội để tìm hiểu và kiểm soát các hoạt động của hành pháp có hữu hiệu hay không.
Trong một chế độ đại nghị, nếu bầu cử được xem là phương cách chính để dân chúng tham gia vào các hoạt động hành pháp, thì đó không phải là phương cách duy nhất. Người dân có thể kết hợp thành đoàn thể để đòi hỏi sửa đổi về một vấn đề luật pháp nào đó hoặc để chống lại sự sửa đổi đó; Họ có thể tham gia vào một chính đảng để tạo áp lực trực tiếp lên các dân biểu. Ngược lại các chính quyền cũng sẽ phải tham khảo ý kiến của những người sẽ chịu hậu quả của các quyết định của họ, cho dù chỉ là tham khảo những thành phần tiêu biểu qua một cuộc tham dò dư luận. Trên thực tế hiếm có chính quyền trong một chế độ đại nghị nào có thể gác bỏ ngoài tai dư luận quần chúng được phản ánh thông qua những cuộc thăm dò dư luận, qua báo chí, truyền thanh và truyền hình. Tuy nhiên sự hữu hiệu của những trạm tiếp vận ảnh hưởng của quần chúng này rút cuộc lại phụ thuộc vào sự tiến hành tốt diễn trình bầu cử, bởi vì thực ra, các chính quyền chỉ chú ý một cách đúng đắn đến ý kiến của dân chúng nếu sự thờ ơ trước dư luận sẽ dẫn họ đến chỗ mất quyền.
Tóm lại sự kiểm soát của dân chúng, thứ nhất được thi hành thông qua các cuộc bầu cử, khi mà họ có thể cân nhắc về phương cách điều hành quốc gia và chọn lựa những người sẽ nhận trách nhiệm chính trị; thứ nhì thông qua sự kiểm soát chính phủ thường xuyên của quốc hội, và cuối cùng là qua trung gian của các kênh diễn đạt dư luận quần chúng được chính phủ lưu ý đến.

Xét về nguyên tắc thứ hai của dân chủ về sự bình đẳng chính trị, chế độ đại nghị quả thiếu bình đẳng khi cho phép một thiểu số có quyền thay mặt đám đông để quyết định về chính trị. Ðể khắc phục những hạn chế này và để thỏa đáp tiêu chuẩn bình đẳng chính trị, chúng ta cần tạo điều kiện sao cho mỗi công dân lúc nào cũng có thể làm được ba việc sau đây: mưu tìm một trách vụ dân cử, công bố lập trường của mình về các vấn đề quốc gia và được đền bù trong trường hợp gặp sai phạm của những người có chức quyền hành chánh. Nhưng điều cần thiết vẫn là hệ thống bầu cử phải dành cho mỗi cuộc bầu cử một giá trị như nhau. Trên thực tế đa số các chế độ đại nghị đã không giữ đúng được các nguyên tắc này. Ðặc biệt nguyên tắc bình đẳng chính trị đã bị vi phạm trầm trọng bởi những bất bình đẳng tồn tại trong xã hội. Thí dụ, về mặt vật chất, các nhóm xã hội đã rất khác biệt nhau về phương tiện tài chính, về khả năng xoay sở và về quan hệ.
Do đó trong các nước theo chế độ đại nghị, phận sự của những con người dân chủ là phải tìm ra những giải pháp để hạn chế ảnh hưởng về mặt chính trị tạo nên bởi những bất bình đẳng xã hội và phải làm gia tăng sự hữu hiệu của những cơ chế giúp người dân kiểm soát chính phủ.

5. Vai trò của chính đảng trong chế độ dân chủ

Những cá nhân trong một xã hội chỉ có thể ảnh hưởng hạn chế vào việc điều hành quốc gia nếu họ không biết kết hợp thành hội đoàn. Ðảng phái chính trị là tập hợp của những người có cùng chính kiến và quyền lợi trong việc phổ biến quan điểm, trong việc giành những trách vụ chính trị và trong khả năng ảnh hưởng vào công việc quốc gia. Các chính đảng đóng nhiều vai trò. Nhìn dưới khía cạnh bầu cử, các chính đảng góp phần đơn giản hóa sự chọn lựa bằng cách cống hiến cho cử tri một số quan điểm chính trị và những nét tổng quát của chương trình hành động để họ dễ quyết định. Nhìn dưới khía cạnh chính quyền, các chính đảng là hậu thuẫn tương đối ổn vững để cho chính quyền có thể thực hiện tốt các chương trình đã được đưa ra hứa hẹn lúc tranh cử. Ngoài ra chính đảng còn giúp cho những cá nhân hoạt động chính trị tích cực nhất có thể can thiệp vào việc nước, được học tập chính trị và có ảnh hưởng vào việc điều hành quốc gia.
Trong những chế độ có bầu cử tự do và công bằng, sự thành công của chính đảng phụ thuộc rất nhiều vào sự ủng hộ của số cử tri mà họ đã giành và giữ được. Do đó họ phải luôn luôn lưu tâm đến ý kiến của cơ sở khi lập chương trình hành động cũng như khi chọn các ứng cử viên vào những trách vụ dân cử, nếu không họ sẽ bị thua các đảng khác hoặc sẽ khiến có thêm những chính đảng mới được thành lập để đáp ứng khoảng trống chính trị do họ tạo nên. Cho nên chính đảng là một cơ chế quan trọng khiến chính quyền phải lắng nghe đúng mức những bận tâm của dân chúng. Song le các chính đảng chỉ có thể làm tròn nhiệm vụ này nếu việc tranh cử được bảo đảm công bằng tuyệt đối, nghĩa là không để xảy ra việc có một số các chính đảng có quyền sử dụng những phương tiện công cộng hoặc những phương tiện truyền thông đại chúng trong khi những đảng khác lại không được phép. Ðặc biệt điều này cũng bao hàm rằng ngay chính đảng cầm quyền cũng cần ý thức phân biệt rõ ràng phạm vi hoạt động của chính quyền với phạm vi hoạt động của đảng cũng như tìm ra hình thức tổ chức thích ứng cho từng loại hoạt động.
Nếu việc cạnh tranh công khai của các chính đảng trong khuôn khổ bầu cử là một trong những đặc trưng không thể thiếu được của những chế độ dân chủ đại nghị thì đó cũng chính là chỗ nhược của thể chế này. Việc cạnh tranh công khai giữa các chính đảng cùng mưu đồ lèo lái quốc gia là một yếu tố phân chia về mặt xã hội và chính trị. Cái giá mà những người tham dự vào cuộc cạnh tranh này phải trả thường rất cao. Do đó nhất thiết -và đây chính là một trong những yếu tố sống còn của dân chủ- ta phải làm sao để cái giá mà những chính đảng và những ủng hộ viên của họ phải trả một khi họ bị loại khỏi quyền lực là một cái giá mà họ có thể chịu đựng được. Ðặc biệt họ không được phép nghi ngờ về khả năng có thể thắng lại của họ trong một cuộc bầu cử sau cũng như về tính dài lâu của những quyền pháp định,để cho dù hiện thất cử, họ vẫn có thể tụ tập thành viên, công bố quan điểm và chỉ trích chính quyền.

6. Vai trò quan trọng của truyền thông trong một chế độ dân chủ
Chính quyền của bất kỳ thể chế chính trị nào cũng muốn dân chúng ủng hộ hoặc tán thành các chính sách của họ. Nếu xem trọng dân chúng thì người ta phải tìm cách tiếp cận với họ qua trung gian của các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh và truyền hình. Từ đó truyền thông có một vai trò chính trị quan trọng trong xã hội cận đại. Trong chế độ dân chủ, truyền thông không thể bị xem đơn giản như bộ phận tuyên truyền của chính phủ. Truyền thông còn có những nhiệm vụ quan trọng khác, đó là: rà xoát hoạt động của chính quyền, thông tin cho quần chúng, tạo tranh luận công khai, làm cho chính quyền phải chú ý đến dư luận và tạo áp lực lên chính quyền.
Nhiệm vụ điều tra và thông tin của truyền thông rất cần thiết để chống lại cái "tật" muốn giữ bí mật muôn thủa của các chính quyền và để cân bằng lại sức mạnh áp chế của guồng máy chính quyền trong lãnh vực giao tế công cộng. Một chính quyền buộc phải có trách nhiệm vỡi dư luận nếu dư luận có được thông tin về các hoạt động của họ cũng như có phương tiện độc lập để đánh giá về sự đúng đắn của những lời tuyên bố về chính sách của họ. Nếu một mặt truyền thông phải cẩn thận để khỏi soi mói vào đời tư người khác thì mặt khác nó cũng có nhiệm vụ truyền đạt thông tin và nói lên phần nào mối quan tâm của quần chúng, một quần chúng có quyền được tìm hiểu. Không làm được việc này truyền thông sẽ không thể chu toàn trọng trách của "người canh gác quyền lợi công cộng". Ngoài vai trò cung cấp thông tin độc lập, truyền thông còn phải tạo diễn đàn tranh luận bằng cách mời các bộ trưởng và nhân sĩ trả lời -một cách dễ hiểu- những câu hỏi được đặt ra cho họ và tạo điều kiện để người dân bình thường cũng có thể tham gia cuộc tranh luận này. Truyền thông cũng phải làm sao để chính quyền lắng nghe dư luận. Ðóng một lúc nhiều vai trò khác nhau như vậy mà tầm hoạt động lại rộng đến toàn thể dân chúng nên truyền thông sẽ bổ xung và củng cố cho hoạt động theo dõi và thảo luận của quốc hội.
Song le trong một thể chế dân chủ, truyền thông chỉ có thể hoàn thành những nhiệm vụ quan yếu này nếu nó thực sự độc lập và không phụ thuộc cả chính quyền lẫn những thế lực quyền lợi tư nhân. Ðể giỡi hạn ảnh hưởng của chính quyền người ta có thể ủy thác việc kiểm soát những phương tiện truyền thông do công quỹ tài trợ cho một ủy ban độc lập hoặc một ủy ban gồm đại diện những hiệp hội công dân và tạo sự cạnh tranh với những phương tiện truyền thông tư nhân. Ðể ngăn chặn những nhóm tài phiệt tư nhân thao túng lãnh vực truyền thông người ta có thể đặt ra định mức tập trung sở hữu hoặc dùng các phương cách điều hòa thích ứng khác. Tuy nhiên không một biện pháp nào có thể bảo đảm được rằng truyền thông sẽ chu toàn trách nhiệm dân chủ của họ một cách vô tư và hữu hiệu như mong đợi. Cuối cùng chúng ta cũng chỉ trông chờ nơi sự độc lập và tính chuyên nghiệp của các nhà báo, các chủ bút và các nhà sản xuất trong lãnh vực thính thị cũng như mong quần chúng luôn ý thức rằng truyền thông sẽ góp phần tích cực vào sự hoạt động của một nền dân chủ.

7. Tại sao các chế độ dân chủ đại nghị có thể được xem là tự do?
Lý do thứ nhất xuất phát từ lịch sử: đại đa số các quốc gia tây phương đã được tự do trước khi trở thành dân chủ. Tại các quốc gia đó một chế độ tự do hiến định đã được thiết lập trước khi phổ thông đầu phiếu được chấp nhận và các chính đảng đại chúng được thành lập.
Chế độ đó có những đặc điểm như sau:
a) đặt sự hoạt động của chính quyền hoặc của bộ máy hành pháp vào khuôn khổ của luật pháp được chuẩn y bởi một quốc hội do dân bầu ("thượng tôn pháp luật");
b) công nhận những quyền cá nhân về tố tụng (quyền được xét xử công bình), về tự do ngôn luận, tự do tụ tập và tự do đi lại;
c) thiết lập một bộ máy tư pháp độc lập vỡi hành pháp và lập pháp để thể hiện đúng vai trò canh giữ luật pháp và quyền cá nhân. Trong lịch sử, những chế độ dân chủ cho áp dụng phổ thông đầu phiếu và để các chính đảng đại chúng phát triển trước khi củng cố các thành tố tự do vừa nêu đều đã không giữ được ổn định.
Việc này đưa chúng ta đến lý do thứ hai, thuộc lãnh vực thực tiễn, để hiểu tại sao một chế độ tự do hiến định phải đi đôi với dân chủ. Trong một quốc gia tân tiến chính quyền thường nắm những quyền hành rất lớn. Nếu một chính quyền -dù được lòng dân- không chấp nhận sự chi phối của luật pháp như bất cứ một công dân bình thường nào khác, hoặc không bị bắt buộc phải xin quốc hội chuẩn y những đạo luật theo những thủ tục được định sẵn, hay không chịu tôn trọng các quyền tự do của công dân (cho dù việc thực thi các quyền tự do đó đôi khi gây ra khá nhiều phiền toái), thì trước sau gì chính quyền đó cũng sẽ vuột khỏi sự kiểm soát của dân chúng.
Dân chủ không phải là một thể chế chuyên tìm cách thỏa mãn ngay tức thời hoặc càng nhanh càng tốt tất cả những đòi hỏi của người dân mà là một thể chế nhằm bảo đảm cho người dân có những phương tiện để thực thi một cách lâu dài ảnh hưởng và sự kiểm soát của họ lên chính quyền. Trong số những phương tiện này chúng ta cần nhấn mạnh đến những thành tố quan trọng của một chế độ hiến định: sự thượng tôn pháp luật, sự phân quyền giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp và sự tôn trọng các quyền và các tự do cá nhân.
Những đặc trưng và những thành tố của thể chế dân chủ đó chỉ có thể được bảo vệ một cách hữu hiệu nhất bằng một hiến pháp thành văn được phổ biến đến tất cả mọi người, trong đó định nghĩa rõ ràng các nghĩa vụ và quyền hạn của cá nhân cũng như của các cơ quan nhà nước. Qui chế đặc biệt của hiến pháp được xác định bởi hai sự việc. Thứ nhất, những người nhận trách nhiệm công vụ phải tuyên thệ trung thành với hiến pháp và không được phép diễn giải hiến pháp theo cách nhìn phe phái hoặc cục bộ của họ. Thứ hai, việc thay đổi hiến pháp đòi hỏi phải qua những thủ tục đặc biệt, tỷ dụ như qua một cuộc bỏ thăm với đa số tuyệt đối hoặc một cuộc trưng cầu dân ý. Về thực hành, sự bất khả xâm phạm của hiến pháp thành văn chỉ có thể được bảo đảm dưới hai điều kiện: có ngành tư pháp độc lập được chỉ định ra để thực thi sự tôn trọng hiến pháp và ngành tư pháp này phải có đủ quyền hành để hoàn thành trách nhiệm đó; và đồng thời quần chúng nhân dân phải luôn sẵn sàng để giám sát sự tôn trọng hiến pháp.

8. Có thể có những hình thức dân chủ nào khác với chế độ dân chủ tự do không?
Trong thế kỷ 20 này người ta đã chứng kiến một số những thử nghiệm nhằm xây dựng một chế độ dân chủ trên bình diện quốc gia, thường dưỡi hình thức một chế độ độc đảng -phổ biến nhất là chế độ cộng sản-, mà không lưu tâm gì đến di sản tự do. Trong loại chế độ này, để biện minh cho sự "độc đảng" người ta thường nêu lên sự cần thiết phải bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân, phải tập trung sức mạnh của xã hội cho một chương trình phát triển kinh tế, và phải loại bỏ ảnh hưởng của sở hữu tư nhân cũng như của quyền lợi cá thể trong hoạt động chính trị. Ðảng cầm quyền được xem như là tiếng nói của nhân dân và là công cụ cho phép những người lãnh đạo huy động dân chúng cho những mục tiêu của chính quyền.
Ngày nay, nếu còn lịch sự, thì người ta chỉ có thể công nhận một sự năng động dân chủ nhất định thấy xuất hiện tại cơ sở của loại chế độ này. Ngược lại sự thiếu vắng của các quyền tự do ngôn luận và lập hội đã ngăn chặn sự hình thành quan điểm và sự thành lập những tổ chức nằm ngoài hệ thống của đảng. Kết quả là ảnh hưởng của dân chúng vào việc hình thành chính sách đã bị giới hạn nghiêm trọng và tinh thần trách nhiệm của những người cầm quyền đối với dân chúng cũng teo tóp đi. Cho dù có tự cho là đã gặt hái được những thành quả kinh tế đáng kể, những chế độ cộng sản đã tiêu biểu cho sự độc đoán chuyên quyền, cho việc phải dựa vào một chính sách đàn áp tỏa rộng và cho sự khinh thường pháp luật, đến nỗi chế độ cộng sản đã chỉ có thể giữ vững được nhờ một hệ thống công an tổ chức chặt chẽ.
Những thử nghiệm tại Phi Châu nhằm thiết lập những chế độ dân chủ độc đảng không cộng sản cũng dẫn đến những hậu quả tương tự, cho dù ý định ban đầu là tốt. Ở Phi Châu người ta mong rằng việc tập trung vào một đảng duy nhất sẽ tránh được những bất đồng do tranh chấp giữa những phe phái tạo nên, đặc biệt trong một khung cảnh xã hội có nhiều chia rẽ sắc tộc và một đảng duy nhất sẽ phản ánh được truyền thống xem trọng sự đồng thuận (cho dù khái niệm đồng thuận hoàn toàn không ăn nhập gì với khái niệm "đối lập trung thành"). Các chế độ này đã cho phép cử tri chọn lựa giữa những ứng cử viên, cho phép họ loại bỏ một vài bộ trưởng bị mất lòng dân vỡi điều kiện là các "đối thủ" cũng phải là người của đảng và phải tuân theo đường lối của đảng. Ở đây lại một lần nữa, việc dân chúng không thể tập hợp được một cách độc lập bên ngoài đảng cầm quyền và việc họ không thể đưa ra được những ứng cử viên đối lập chống lại đảng trong các cuộc đầu phiếu đã đủ để tố cáo một chế độ độc đoán chuyên quyền và một sự coi thường ý kiến nhân dân ngày càng trầm trọng của những chính quyền và những người lãnh đạo. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng của sự phân quyền thực sự đã khiến cho các nguyên tắc về thượng tôn pháp luật và về trách nhiệm của chính quyền trước các dân biểu quốc hội đại diện cho dân chúng không được tôn trọng, và từ đó không bảo đảm được sự tôn trọng các quyền tự do của người dân.
Qua những tiền lệ lịch sử này người có thể kết luận rằng những thử nghiệm nhằm thiết lập một chế độ dân chủ mà không dựa trên nền tảng tự do đều thất bại. Cho dù quyền tự do lập hội và phương cách bầu cử tự do và đa nguyên có đem lại bao nhiêu phiền toái đi nữa thì chúng ta cũng phải nhận rằng đây là hai công cụ rất cần thiết để bảo đảm cho ảnh hưởng và sự kiểm soát của dân chúng đối vỡi chính phủ được vĩnh cửu, để bảo đảm các nguyên tắc thượng tôn pháp luật và phân quyền, là những nguyên tắc bắt buộc chính quyền phải tuân theo một số thủ tục cần thiết để chấp nhận sự ảnh hưởng và sự kiểm soát của dân chúng. Chế độ dân chủ tự do chắc chắn còn đủ rộng chỗ cho những thử nghiệm và thích ứng vào những điều kiện địa phương. Người ta sẽ lầm khi cho rằng có thể áp dụng mà không sợ lầm những hình thức dân chủ đã được xây dựng thành công trong những hoàn cảnh nhất định nào đó hoặc trong những xã hội có truyền thống dân chủ lâu đời.

9. Dân chủ có đòi phải có kinh tế thị trường không?
Câu hỏi phức tạp này không thể chỉ được trả lời một cách đơn giản là có hay không. Một mặt người ta có thể cho rằng hệ thống sản xuất và phân phối dựa trên nguyên tắc trao đổi tự do sẽ tạo nhiều thuận lợi cho dân chủ. Cũng giống như dân chủ, thị trường xem cá nhân tự do (không chịu sự điều khiển của ai) là người có thể phán đoán về quyền lợi của mình một cách tốt nhất và phải chịu trách nhiệm về chọn lựa của mình. Thị trường và dân chủ có nhiều điểm tương đồng. Người tiêu thụ là vua trên thị trường giống như cử tri được xem là vua trong thể chế dân chủ.
Tương tự, việc các xí nghiệp phụ thuộc vào sự ủng hộ của khách hàng cũng được so sánh như việc các chính đảng lệ thuộc vào tỷ lệ đầu phiếu. Ngoài ra thị trường còn kiềm chế các thế lực trong xã hội bằng cách phân tán quyền quyết định về kinh tế và trải rộng khả năng sinh hoạt, thông tin và phương tiện ra trong xã hội dân sự. Thị trường giúp cho dân chúng khỏi phụ thuộc nhà nước về mặt kinh tế và trong việc tài trợ các hoạt động chính trị và văn hóa độc lập của họ. Về các phương diện này thì thị trường có thể được xem như hỗ trợ cho dân chủ.
Mặt khác, nếu để thị trường phát triển tự nhiên thì nó sẽ tạo nên những thăng trầm đột biến trong hoạt động sản xuất, khiến cho nền kinh tế gặp khó khăn và xáo trộn rất lớn. Những thay đổi này khiến quốc gia phải chịu hậu quả của sự dao động về giá cả và về mặt giao thương trên bình diện quốc tế, từ đó làm cho quốc gia mất chủ động về kinh tế. Về mặt đối nội, thị trường làm tăng thêm sự bất bình đẳng trong việc đóng góp về khả năng và phương tiện giữa những thành viên kinh tế và tạo bất bình đẳng chính trị trong một thể chế dân chủ. Ngoài ra thị trường xem lao động là một món hàng cũng chịu sự chi phối bởi luật cung cầu như mọi món hàng khác, khiến khi không cần đến nó nữa thì người ta có thể loại bỏ nó mà không để ý gì đến phẩm cách của người công dân.
Trong hoàn cảnh đó chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng chính các quốc gia tây phương đầu tiên bước vào thời đại công nghiệp đã cho rằng kinh tế thị trường không thích hợp với việc phổ thông đầu phiếu, điều mà họ đã ra công chống đối trong phần lỡn thế kỷ 19. Người ta cũng không ngạc nhiên khi thấy việc toan tính áp dụng một chính sách kinh tế thả lỏng đã dẫn đến việc dựng nên những chính quyền chuyên chế để kiềm hãm sự bất mãn của dân chúng. Kể từ sau đệ nhị thế chiến các chính quyền tây phương đã phối hợp dân chủ vỡi kinh tế thị trường bằng cách can thiệp vào thị trường và điều phối nó ở mức độ quan trọng, bằng cách bảo đảm việc tái phân phối các kết quả của hoạt động kinh tế và bằng cách dựng nên một hệ thống luật lệ xã hội để bảo vệ những người yếu kém nhất trong xã hội trước những thăng trầm của thị trường.
Người ta cần phải nhắc nhở nhau về tính cách hai mặt trong quan hệ giữa dân chủ và thị trường để khỏi bị quyến rũ bởi sự đơn giản của nền kinh tế thả lỏng. Ngược lại hệ thống kinh tế hoạch định tập trung trong các chế độ xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải quản lý một bộ máy hành chánh vượt quá khả năng kiểm soát. Nó đã độc quyền sử dụng toàn bộ năng lực và sáng kiến của xã hội cho mục đích của một nhà nước và sinh ra những bất công chính trị lớn khi cho một số người đặc quyền đặc lợi. Ðây là những điều không thích hợp với thể chế dân chủ.
Còn về khả năng tồn tại trong kinh tế thị trường của một hệ thống xí nghiệp thuộc sở hữu tập thể được phân tán mỏng, cũng như về sự thích hợp của hệ thống này với một chế độ dân chủ đa đảng thì sao? Ðến hôm nay, hình thức xã hội chủ nghĩa dân chủ duy nhất còn tồn tại là hình thức dân-chủ-xã-hội được thành lập từ năm 1945 tại một số nước Bắc Âu và Tây Âu. Thực ra đây là một sự cải biến hơn là một sự dứt khoát với chủ nghĩa tư bản.

10. Quyết định của đa số có phải lúc nào cũng dân chủ không?
Người ta thường lầm dân chủ với sự thực thi quyền lực của đa số. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì dân chủ là sự thực thi quyền lực của người dân, và quyền lực này được thực thi bởi toàn thể dân chúng chứ không phải chỉ bởi một tập thể dân chúng bằng cách áp đặt ý muốn của họ lên một tập thể dân chúng khác. Nói cách khác, đặc trưng căn bản của dân chủ là công nhận cho mọi người quyền được bình đẳng tham gia vào quyết định chung, trong đó nguyên tắc đa số chỉ là một cái mẹo về thủ tục để giải quyết những bất đồng, sau khi mọi phương cách khác như tranh luận, bổ xung ý kiến và thỏa hiệp đã được tận dụng mà không mang lại kết quả.
Nhưng chúng ta có thể chắc chắn là khi đa số áp đặt ý muốn của họ thì sẽ có dân chủ hơn là khi để cho những thiểu số được quyền quyết định hoặc được phép ngăn cản ý muốn của một số đông hơn. Song khi đẩy thiểu số xuống tình trạng bị bất lực và khi cướp đi của họ mọi phương tiện tham gia quyết định chung, thì nguyên tắc đa số không còn có thể được xem là biểu hiện lý tưởng của dân chủ nữa mà chỉ là phương tiện thô bạo để đi đến quyết định.
Những người ủng hộ nguyên tắc đa số biện minh rằng thiểu số của hôm nay lúc nào cũng có thể hy vọng sẽ trở thành đa số của ngày mai và việc họ bị loại ra ngoài lề trong một quyết định hoặc trong một cuộc bầu cử nào đó sẽ được đền bù nếu sau này họ chiến thắng trở lại. Nói cách khác, phe thiểu số sẵn sàng chấp nhận luật chơi đa số dựa trên "nguyên tắc hỗ tương" nếu tin rằng một ngày kia khi họ trở thành đa số thì phe kia cũng phải chấp nhận luật chơi cũng như chính họ đã từng chấp nhận. Song le, nguyên tắc này sẽ mất tác dụng khi đa số quyết định làm cho thiểu số bị mất khả năng phổ biến quan điểm của mình hay dồn họ vào thế phải làm "đối lập muôn thủa" hoặc quyết định này quan trọng đến độ sự thất bại của phe thiểu số sau này không còn cách gì có thể bù đắp được nữa. Sau đây chúng ta sẽ xét từng trường hợp này một cách kỹ lưỡng.
Khi một quyết định của đa số (hoặc của một chính quyền được đa số hỗ trợ) xâm phạm đến những quyền dân chủ căn bản của một cá nhân hay một nhóm, thì chiếu theo định nghĩa, quyết định này là phản dân chủ. Có những quyền được gọi là căn bản là bởi thiếu nó dân chúng không thể tham gia vào đời sống chính trị, thí dụ như: quyền tự do phát biểu, di chuyển và lập hội, quyền được bầu và ứng cử. Việc bảo đảm cho mọi công dân những quyền này là nền móng của mọi chế độ dân chủ. Ðể có thể bảo vệ những quyền này trước sự xâm phạm của đa số một cách lý tưởng nhất người ta có thể ghi chúng vào hiến pháp hoặc vào một tuyên ngôn về quyền công dân. Câu hỏi tế nhị liên quan đến những điều kiện cho phép ngưng hoặc giới hạn việc tôn trọng các quyền này sẽ được mổ xẻ sau.
Trường hợp thứ hai mà "nguyên tắc hỗ tương" không đem áp dụng được là trường hợp mà một thiểu số "muôn đời" bị là thiểu số. Ðó là trường hợp các nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ hoặc các nhóm được định nghĩa dựa trên bất cứ một tính chất "vĩnh cửu" nào. Nếu những chính đảng tham gia việc tranh giành quyền lực mà cố tình vạch ra thay vì vượt lên trên những khác biệt này thì có thể một ngày kia sẽ có một thiểu số bị vĩnh viễn loại ra khỏi việc điều hành quyền lực cũng như mất vai trò trong chính trường. Người ta có thể đặt nhiều biện pháp hiến định để ngăn ngừa việc đưa một thiểu số ra ngoài lề một cách vĩnh viễn. Người ta có thể dành cho thiểu số này một số bộ, tùy theo số lượng tương ứng mà bổ nhiệm họ vào một số chức vụ chính phủ; cho họ quyền phủ quyết những đạo luật liên quan đến quyền lợi sinh tồn của họ; công nhận cho họ được rộng quyền tự trị. Việc chọn biện pháp thích ứng nào phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể nhưng cho dù có chọn biện pháp nào thì quyền được bảo tồn văn hóa ngày nay cũng được xem như một quyền con người căn bản và cần phải được bảo vệ bởi hiến pháp.
Còn lại trường hợp của những nhóm thiểu số tranh đấu cho "những lý do thiêng liêng". Thiểu số này có thể xem một vấn đề quan trọng đến nỗi không thể nhượng bộ phe đa số về điểm này cho dù sau này được nhân nhượng về các điểm khác. Luật pháp không dự trù giải quyết loại trường hợp này. Song một đa số có kinh nghiệm và chín chắn sẽ biết có thể đưa cho thiểu số những nhượng bộ nào và biết tránh những quyết định áp đặt đơn thuần lên phe thiểu số. Sự bền lâu của dân chủ đòi hỏi các thành viên của cộng đồng phải chấp nhận chung sống vỡi nhau, điều đòi hỏi rằng phe đa số và những chính quyền đại diện cho họ phải biết chừng mực và luôn thận trọng để đừng khai thác triệt để nguyên tắc đa số nhằm chiếm đoạt tất cả và áp đặt quan điểm của họ lên thiểu số.

11. Trong chế độ dân chủ, một cá nhân có quyền bất tuân pháp luật hay không?
Sự "bất tuân dân sự", nghĩa là hành động vi phạm luật lệ một cách công khai, bất bạo động và nhân danh một nguyên tắc quan trọng hay một quyền lợi sống còn, được dành cho một vị trí quan trọng trong lịch sử dân chủ. Hành động này khác với các vi phạm hình sự bởi tính cách phô diễn, bởi tính chính trị của động cơ và bởi thực tế là những người thực hiện không có ý định trốn tránh sự truy nã, và nếu thất bại thì họ sẵn sàng chấp nhận chịu án phạt. Sự bất tuân dân sự thường nhắm gây chú ý đến một sự bất công hay một vụ tai tiếng gây ra bởi nhà chức trách hoặc bởi một tổ chức tư nhân. Mục đích của nó là bắt giới hữu quyền phải xét lại một quyết định đang bị dân chúng lên án, sau khi những biện pháp nhằm đánh động lương tâm và để thuyết phục khác đã không đem lại kết quả. Trong một số trường hợp ít thấy hơn, những người phản đối tìm cách vô hiệu hóa một quyết định của chính quyền bằng cách tổ chức một phong trào chống đối rộng lớn. Dù sao, vì đã vi phạm nguyên tắc hỗ tương là một nguyên tắc cơ bản cho sự đồng thuận pháp lý trong dân chủ, cho nên phải xem sự bất tuân dân sự là một cùng kế được đem ra áp dụng trong những điều kiện thật ngoại lệ.
Những người phản đối sự bất tuân dân sự cho rằng không có gì có thể biện hộ được cho hành động vi phạm luật pháp ấy. Ðã xem luật pháp là nền tảng của xã hội văn minh mà còn để một cá nhân hay một nhóm người không tôn trọng nó thì sau này sẽ có vô số người bắt chước theo. Nếu mỗi người tự cho phép mình diễn giải luật pháp theo trí tưởng tượng của mình thì sớm muộn gì khung luật pháp cũng rạn nứt. Ngoài ra, hiến pháp của một chế độ dân chủ cũng đã dành cho dân chúng nhiều phương cách để họ sửa đổi luật pháp. Mỗi người có quyền dùng lá phiếu để tạo áp lực lên những đại diện dân cử của mình hoặc phát động một chiến dịch -trong khuôn khổ luật pháp- nhằm thuyết phục dân chúng và chính quyền sửa đổi luật lệ hoặc một chính sách nào đó. Chỉ nội việc tham gia bầu cử tự nó đã nói lên sự ưng thuận chấp nhận kết quả và chấp nhận chương trình hành động do đảng thắng cử đề ra. Tóm lại theo quan niệm của những người phản đối, sự bất tuân dân sự là một sự chà đạp lên nền dân chủ và lên nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Những người đòi bảo vệ quyền bất tuân dân sự cho rằng việc đồng ý chấp nhận kết quả bầu cử không bắt buộc một cá nhân phải tôn trọng tất cả các luật lệ hoặc buộc họ phải chấp nhận toàn bộ hoạt động của chính quyền - bất kể các hoạt động này có bất công hay không. Những phương tiện hiến định để đánh động dư luận và để bày tỏ sự phản đối thường đi quá chậm, trong khi sự thiệt hại thì không vớt lại được nữa. Trong thực tế, tiếng nói của các công dân bình thường luôn luôn bị bộ máy tuyên truyền của chính quyền và của các nhóm quyền lợi khỏa lấp. Trong hoàn cảnh đó, sự bất tuân dân sự không những không chống lại dân chủ mà còn phục vụ cho nó, một khi cho công luận biết đến sự hiện diện của tiếng nói đối lập qua cách tạo ấn tượng mạnh. Nói cho cùng mỗi cá nhân phải tự nhận định bằng lương tâm của mình về giá trị đạo đức của luật pháp và không một ai vì quán tính mà có thể tự cho phép tránh né trách nhiệm của mình trong sự tồn dư dai dẳng của những đạo luật bất công. Lịch sử đã cho thấy sự chấp nhận thụ động những đạo luật mang tính đàn áp dân chúng còn tai hại hơn cả sự bất tuân phát xuất từ mong muốn bảo vệ các nguyên tắc.
Nếu nói chung chung thì cũng rất khó phán xét về hai quan điểm trái ngược nhau trên đây. Người ta chỉ có thể có quyết định cho từng trường hợp một, với ý thức rõ ràng về hoàn cảnh, về giá trị của các nguyên tắc đối kháng trong từng vụ việc và cân nhắc về hậu quả xảy ra một khi phải bảo vệ nguyên tắc này hay nguyên tắc kia. Thực ra câu hỏi nêu trên chỉ có thể được trả lời bởi từng cá nhân. Ngày nay nó thuộc về một lãnh vực mà các lương tâm cá biệt được tôn trọng. Thí dụ như việc chống đối tham gia nghĩa vụ quân sự (có vũ trang) vì lý do lương tâm đã khiến nhiều quốc gia phải bổ túc thêm bằng các hình thức nghĩa vụ dân sự khác và giá trị lương tâm của những chống đối này hiện đã được công nhận rộng rãi.

 12. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc và dân chủ có liên quan gì với nhau?
Trong thế giới hôm nay người ta thường cho rằng chủ nghĩa quốc gia và dân chủ là hai ý niệm hoàn toàn đối chọi nhau. Ðiều này không đúng bởi hai ý niệm này có cùng nguồn gốc lịch sử và tư tưởng dựa trên nguyên tắc "mọi quyền lực chính trị phát xuất từ dân chúng" của các nhà cách mạng Pháp. Quan niệm của những người theo chủ nghĩa quốc gia cho rằng dân chúng được quyền tự định đoạt trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của họ rất gần với nguyên tắc dân chủ nhằm bảo đảm cho mọi công dân của một nước quyền được tự do quyết định lấy công việc của mình.
Nhưng chúng ta sẽ phải đào sâu thêm nữa. Dân chủ là một học thuyết có giá trị phổ cập, cho phép mọi con người -bất kể những đặc thù của nó- được tự do quyết định, trong khi chủ nghĩa quốc gia lại dựa trên tính đặc thù, nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa các dân tộc và chiếu cố đến đặc tính quốc gia của các phong tục, các nền văn hóa và các lối sống. Như vậy chủ nghĩa quốc gia chủ yếu dựa trên sự loại bỏ trong khi dân chủ lại dựa chính trên sự bao gồm. Nguyên tắc loại bỏ sẽ trở thành phản dân chủ sâu sắc khi nó dẫn đến việc từ chối phẩm giá công dân và chối bỏ các quyền lợi của các người ngoại quốc đã sinh sống lâu năm tại một quốc gia chỉ bởi vì họ không nói cùng một ngôn ngữ, không có cùng một tôn giáo cũng như không có cùng một nguồn gốc sắc tộc như nhóm dân chiếm đa số trong quốc gia ấy. Vấn đề này sẽ không được đặt ra nếu tất cả các mọi nhà nước được hòa chung vào một dân tộc hoặc một quốc gia thuần nhất. Nhưng thực tế lại không như vậy bởi các sắc dân đã bị hòa trộn với nhau bởi làn sóng di dân và bởi các cuộc đô hộ xảy ra trong nhiều thế kỷ. Thế nên ý niệm Nhà nước-một-dân-tộc, theo đó quốc gia được coi như là tổ quốc của một sắc dân duy nhất, chỉ là một ảo tưởng.
Nếu đã cho rằng những đòi hỏi về quyền được tự quyết trên bình diện quốc gia là phù hợp với nguyên tắc dân chủ thì người ta cũng phải thấy rằng việc từ chối không cho những người đã cư trú lâu năm những quyền lợi về chính trị cũng như cho các dân tộc thiểu số trong nước được tự trị -dù là sự tự trị một phần- là phản dân chủ. Do đó nếu ý thức rằng những sự từ chối này sẽ đe dọa nền hòa bình trong nước cũng như giữa những quốc gia với nhau thì người ta không thể xem chúng như là công việc nội bộ của quốc gia liên hệ nữa. Ngày nay những quyền dân chủ cơ bản - một bộ phận của nhân quyền- được xem như là tài sản và khát vọng chính đáng của nhân loại nói chung. Việc cộng đồng nhân loại bất bình mỗi khi biết có một người bị tước các quyền cơ bản này cũng như có biện pháp chế tài đối với quốc gia liên hệ là chính đáng. Nói cách khác việc đòi hỏi tôn trọng những đặc thù dân tộc và sắc tộc chỉ chính đáng khi dùng để kết hợp mọi người vào cộngđồng nhân loại chứ không phải để chia rẽ nó.

 13. Có thể cai trị một quốc gia một cách dân chủ không?
J.S. Mill, một triết gia phái tự do ở đầu thế kỷ 19, cho rằng chế độ dân chủ đòi hỏi một trình độ văn minh khá cao. Mill cho rằng các quốc gia phương đông không có khả năng tự trị và cần phải được cai quản bởi một chế độ vừa chuyên chế vừa sáng suốt, tốt nhất là được hướng dẫn bởi Tây phương. Quan niệm mang màu sắc của chủ nghĩa chủng tộc này cũng được các tư tưởng gia khác của thời đại ngày nay chia xẻ, kể cả những người sáng suốt nhất. Nếu cho rằng người dân có học tạo thành yếu tố thuận lợi cho dân chủ, theo nghĩa làm giảm bớt khoảng cách giữa người cầm quyền và kẻ bị trị, thì không có gì chứng minh rằng người dân không được học (theo nghĩa đen) sẽ không có khả năng hiểu được những vấn đề liên quan đến họ, không có khả năng tranh luận về những vấn đề này cũng như không có khả năng điều hành công việc riêng của họ. Ngoài ra lịch sử các chế độ chuyên chế, dù đế quốc hay nội địa, đều đã không ghi lại một chứng tích nhân ái nào cả.
Ngược lại lịch sử cũng còn cho thấy rằng dân chủ không thể giành được nếu không huy động được và có sự đấu tranh của phần đông dân chúng, cho dù phải chấp nhận hy sinh gian khổ trong một thời gian dài. Ðiều này còn có nghĩa là số đông dân chúng phải hiểu được rằng chỉ có việc thiết lập một chính quyền dân chủ mới có thể đáp ứng được những khát vọng căn bản của họ và họ phải tự tổ chức lại để đấu tranh. Nói cách khác, dân chủ không rơi từ trời xuống như một phép lạ. Không ai, dù là một nhà lãnh đạo bình thường, hoặc là các người độc tài quân phiệt hay cộng sản, hay các vị tổng thống trọn đời hoặc các kẻ xâm lăng, lại tự nguyện rời bỏ quyền lực! Họ chỉ chịu rời bỏ quyền lực một khi chế độ của họ đã bị mất uy tín trầm trọng và khi một sự huy động quần chúng làm cho họ hiểu rằng việc bám giữ quyền lực của họ chỉ gây thêm hỗn loạn và sự tê tiệt của chính quyền.
Sự yểm trợ của các quốc gia dân chủ ngoại quốc dĩ nhiên sẽ khiến cho các lực lượng dân chủ dễ chiến thắng hơn và sẽ đóng góp vào việc thiết lập một thể chế dân chủ. Song le, trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh vừa qua, các quốc gia dân chủ tây phương đã chỉ chú trọng đến việc giới hạn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản hơn là việc hỗ trợ công cuộc đấu tranh cho dân chủ trong các quốc gia cộng sản, và vì lẽ đó, họ cũng đã góp phần duy trì một số chế độ cực kỳ phản dân chủ. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, cộng đồng quốc tế đã tiến bộ hơn và đã đứng hẳn về phía các phong trào và các chính quyền dân chủ. Sự hỗ trợ này chắc chắn sẽ rất quan trọng nhưng không thể nào thay thế được việc các dân tộc phải tự đứng lên đấu tranh chống lại các chế độ đã áp bức họ. Thực ra ta cũng thấy điều gì mâu thuẫn khi một chính quyền độc lập lại được dựng lên bởi các thế lực ở bên ngoài; thêm nữa một chế độ như vậy chắc chắn sẽ không tồn tại được bao lâu.

14. Làm thế nào để giữ sau khi đã thiết lập được dân chủ?
Không có bí quyết hoàn hảo nào có thể đưa ra để trả lời câu hỏi này. Nền dân chủ phương tây chỉ được ổn định sau một thời gian dài gặp thoái bộ định kỳ gây nên bởi sự chống đối của giới quý tộc, của chế độ độc tài quân phiệt hoặc phát xít. Trong những chế độ dân chủ trẻ mới được thành lập, để thực hiện dân chủ, người ta chỉ mong rằng tình hình đừng quá tồi tệ. Một chế độ chính trị tự do sẽ không thể hoạt động được tại những nước mà hố phân cách xã hội quá lớn; tại một số nước, nền kinh tế không có khả năng đáp ứng được các nguyện vọng chân chính của người dân; tại một vài nước khác, giới quân đội khó chấp nhận rút lui khỏi chính trường, một khi đã nắm được các quyền hành quá lớn.
Song ta đừng nghĩ rằng dân chúng tại những nước có hoàn cảnh khó khăn như vậy sẽ chấp nhận bó tay. Các cơ chế dân chủ vẫn có thể được xây dựng bằng nhiều biện pháp để bảo vệ người dân trước vô số những o ép. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là đào tạo và nâng cao phẩm chất cho những chuyên viên đảm nhận những trách vụ quan trọng nhất trong guồng máy Nhà nước thí dụ như các quan tòa và các chuyên viên về hiến pháp, các nhân viên trong quốc hội, những người đặc tổ chức tuyển cử. Nói chung đó là những công chức. Tương tự, cần phát triển các chính đảng và cần bảo đảm việc đào tạo cán bộ trong các chính đảng. Ngoài ra cũng cần mở rộng tác dụng của những cơ chế (cơ chế được hiểu như những thành tố) của một xã hội dân sự như truyền thông, xí nghiệp, nghiệp đoàn, tổ chức phi chính phủ, để chúng có thể hoạt động độc lập và ở ngoài sự giám hộ của Nhà nước. Một yếu tố quan trọng khác là phẩm chất của những người lãnh đạo chính trị. Khả năng, sự liêm khiết cũng như sự dấn thân nhằm xây dựng những cơ chế dân chủ và cơ chế hiến định của họ còn quan trọng hơn cả quyết tâm nhằm giải quyết tức thời các vấn đề và bảo vệ quyền lực của họ.
Cuộc tranh đấu giữ gìn dân chủ được diễn ra trên hai trận tuyến. Trận tuyến thứ nhất nhằm chống lại các thế lực thù địch chống dân chủ. Những thế lực này không chịu chấp nhận những cơ chế tự do và không chấp nhận ảnh hưởng của các đoàn thể quần chúng lên việc điều hành xã hội. Kết quả của cuộc tranh đấu này phụ thuộc vào sự sinh động của các cơ chế và những lực lượng xã hội có nguyện vọng bảo vệ dân chủ và sẵn sàng huy động lực lượng để bảo vệ nó. Trận tuyến thứ hai nhằm bảo vệ các nguyên tắc về chia xẻ quyền lực chính trị trong một chế độ dân chủ. Những nguyên tắc này thể hiện trong việc cạnh tranh quyền lực hay trong việc (cám dỗ!) xem chính trị là một trò chơi mà kẻ thắng sẽ lấy hết phần thưởng. Kết quả của cuộc tranh đấu này phụ thuộc vào sự biết tự giới hạn của các người lãnh đạo khi thi hành quyền lực, vào mong muốn giữđối thoại với các đối thủ chính trị và vào việc tôn trọng các quyền chính trị của mỗi người dân.

15. Những thành tố chính yếu của một chế độ thực sự dân chủ
Một chế độ thực sự dân chủ luôn có 4 thành tố chính còn gọi là 4 trụ cột: những cuộc bầu cử tự do và bình đẳng; một chính quyền hoạt động minh bạch và có trách nhiệm trước cơ quan lập pháp; sự tôn trọng dân quyền và quyền chính trị; và sự hiện hữu của một xã hội dân chủ hay nói cách khác là một xã hội dân sự. Những thành tố này hợp thành một "tháp dân chủ", trong đó các thành phần kết hợp chặt chẽ với nhau thành một tổng thể .

(i) Những cuộc bầu cử tự do và bình đẳng
Những cuộc bầu cử dựa trên nguyên tắc tranh đua là căn bản để cho những người nhận trách vụ công quyền phải chịu trách nhiệm trước dân chúng và chịu đặt mình dưới sự kiểm soát của dân chúng. Những cuộc bầu cử này cũng là dịp để đánh giá nguyên tắc bình đẳng chính trị giữa những công dân, cả về phương diện ứng cử lẫn tranh cử. Khái niệm về "những cuộc bầu cử tự do và bình đẳng", được dùng ở đây như một tiêu chuẩn, trước tiên có ý nghĩa bao trùm lên cả hệ thống bầu cử, nghĩa là lên cả những đạo luật quy định về trách vụ dân cử, phẩm chất của những người muốn ứng cử, lịch trình bầu cử, phẩm chất của cử tri, khu vực bầu cử, thủ tục kiểm phiếu, v.v... Thứ nữa, ý nghĩa của khái niệm này cũng bao trùm lên diễn tiến bầu cử, nghĩa là những thủ tục cụ thể của cuộc đầu phiếu: từ việc ghi danh cử tri, tổ chức vận động cho đến việc khui thùng phiếu, để bảo đảm cho việc áp dụng luật lệ một cách chặt chẽ và không thiên vị và để tránh mọi thủ đoạn gian lận dẫn đến việc nghi ngờ kết quả bầu cử.

(ii) Một chính quyền hoạt động minh bạch và có trách nhiệm
Trong thể chế dân chủ trách nhiệm của chính quyền trước dân chúng gồm hai mặt. Về mặt pháp lý, trách nhiệm của chính quyền trước các tòa án tùy thuộc việc thi hành luật của các cá nhân đảm nhận trách vụ công quyền (chiếu theo nguyên tắc "thượng tôn pháp luật"). Trách nhiệm này tùy thuộc rất nhiều vào sự độc lập của các tòa án đối với chính quyền. Có được độc lập, các tòa án mới có thể buộc mọi người phải tuân theo hiến pháp, xác định được hành vi phạm tội của những người phạm pháp và trừng phạt họ. Về mặt chính trị, trách nhiệm của chính quyền được thể hiện qua việc chính quyền phải biện minh về chính sách và hành động của mình trước quốc hội và dân chúng. Trách nhiệm này tùy thuộc vào quyền lực của quốc hội trong việc ban hành luật, quy định chính sách thuế khóa và kiểm soát hoạt động của chính quyền. Nếu đã có ý thức trách nhiệm về hành động của mình thì một chính quyền dân chủ phải biết lắng nghe ý kiến dân chúng qua những phương cách thăm dò gián tiếp theo luật pháp quy
định hoặc bằng bất cứ phương cách nào khác.

(iii) Dân quyền và quyền chính trị
Dân quyền và quyền chính trị bao gồm các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại, nhằm bảo đảm cho công dân được tham gia vào đời sống chính trị dù ở dạng các hội đoàn trong một xã hội dân sự hoặc ở dạng những nhóm áp lực tìm cách ảnh hưởng lên chính quyền. Mặc dù chỉ là những quyền tự do của cá nhân thuộc trong nhóm nhân quyền (chỉ vậy cũng đủ xứng đáng để được bảo vệ rồi) nhưng tầm mức quan trọng của chúng lại bộc lộ trong sinh hoạt của tập thể: dưới dạng huy động nhân sự cho một mục tiêu có ích lợi chung hay dưới dạng những chiến dịch nhằm gây ý thức hoặc gây áp lực lên chính quyền. Thay vì cho rằng những quyền cá nhân làm cản trở các hoạt động vì lợi ích chung, cản trở diễn trình quyết định của tập thể người ta nên xem rằng những quyền này đã tạo nên nền tảng chính của thể chế dân chủ.

(iv) Xã hội dân chủ hay xã hội dân sự
Thể chế muốn dân chủ thì nhất thiết phải xây dựng trên một xã hội "dân sự", nghĩa là một xã hội với những hội đoàn làm đủ mọi việc công ích và độc lập với cơ quan công quyền. Ngoài những tổ chức đó ra, dân chúng sẽ không có một phương tiện nào khác để giới hạn quyền hành của Nhà nước, để dư luận được có khả năng bày tỏ ý kiến, để tránh cho dư luận bị phụ thuộc vào những người lãnh đạo và để cho xã hội có đủ sức mạnh chống lại các sự độc đoán tùy tiện. Nhưng những hội đoàn này không thể chỉ "độc lập" là đủ. Các hội đoàn này cần phải được điều hành và hoạt động một cách dân chủ trong ý thức rằng dân chủ không thể bén rễ sâu trên bình diện quốc gia, nếu cách thức điều hành chuyên chế vẫn tràn lan ngoài xã hội. Nếu trong môi trường gia đình, học đường, tôn giáo, những cá nhân bị khép vào một khuôn khổ chuyên quyền độc đoán, và nếu tại nơi làm việc, trong khu phố và trong những hội đoàn mà họ tham gia, họ không thể tập hợp lại được một cách độc lập hoặc họ không được phép tham gia vào việc điều hành một dự án chung, thì chắc chắn những cá nhân này không thể là những công dân năng nổ hoặc họ sẽ không cảm thấy có trách nhiệm trước hiện trạng xã hội.

II. Những cuộc bầu cử tự do và công bằng
16. Tại sao những cuộc bầu cử lại quan trọng?
Trên phạm vi quốc gia những cuộc bầu cử có 2 nhiệm vụ. Một mặt phương cách bầu cử cho phép chọn lựa người cầm đầu chính quyền hoặc bộ máy hành chính và từ đó chọn lựa chính sách mà chính quyền đó dự định thực hiện. Mặt khác những cuộc bầu cử còn cho phép chỉ định những dân biểu trong viện dân cử hoặc quốc hội, là những người -nhân danh dân chúng- có nhiệm vụ biểu quyết về luật lệ, quyết định về thuế khóa và kiểm soát các hoạt động của chính phủ. Trong tổng thống chế với một tổng thống đứng đầu chính quyền thì hai nhiệm vụ vừa nêu được tách bạch, những cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội được tiến hành riêng rẽ, mặc dù thời gian có thể trùng nhau. Trong một chế độ dựa vào thủ tướng hay trong quốc hội chế, người ta chỉ cần tổ chức một cuộc bầu cử để hoàn tất cả hai nhiệm vụ trên vì các cử tri đã giao quyền điều hành chính phủ cho chính đảng chiếm đa số ghế trong quốc hội.
Việc bầu cử định kỳ để chọn người vào các trách vụ chính thức theo một diễn trình minh bạch và mang tính tranh đua là một trong những phương tiện kiểm soát hữu hiệu của dân chúng trong một chế độ dân chủ đại nghị. Bầu cử là sự minh xác rằng quyền lực chính trị thuộc về người dân và quyền lực này được thi hành dưới sự ủy nhiệm của dân và xác định rằng những chính khách phải chịu trách nhiệm về hoạt động của họ trước dân chúng. Về điểm cuối vừa nêu, việc tước bỏ chức vụ là cách tốt nhất để bảo đảm rằng những người được bầu sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Chính khả năng này cho phép bảo đảm chất lượng của các chức trách chính trị và tùy tình thế thực hiện sự đổi mới nhân sự cũng như các chính sách trên bình diện chính quyền.

17. Nguyên thủ quốc gia có cần được chọn qua một cuộc tổng tuyển cử không?
Nguyên thủ quốc gia được chú ý bởi vai trò vô cùng trang trọng và nhiều tính biểu tượng của họ. Vai trò này biểu tượng cho sự thống nhất của quốc gia vượt lên trên mọi tranh chấp đảng phái, cho sự liên tục nằm ngoài sự thay đổi của các chính quyền vắn số và cho sự hiện diện thường trực của hiến pháp so với bản chất hữu hạn của các nhiệm kỳ. Vai trò biểu tượng này sẽ vô cùng quan trọng khi quốc gia gặp khủng hoảng hoặc có những tranh chấp liên quan đến hiến pháp. Trong những trường hợp khó khăn ấy, vị nguyên thủ quốc gia sẽ phải sử dụng đến uy quyền đặc biệt của mình.

Trong tổng thống chế vị tổng thống đắc cử kiêm nhiệm cả vai trò danh dự của một nguyên thủ quốc gia lẫn vai trò của một người cầm đầu chính phủ. Ðó là trường hợp của Nga, Hoa Kỳ và đa số các quốc gia tại Nam Mỹ. Trong quốc hội chế, thông thường vị nguyên thủ quốc gia được bầu qua một cuộc tổng tuyển cử hoặc bởi quốc hội và không có quyền lực hành pháp. Ðó là trường hợp của Ðức, Ái Nhĩ Lan và Ấn Ðộ. Trong chế độ quân chủ lập hiến như tại Bỉ, Tây Ban Nha và Anh Quốc, vị nguyên thủ quốc gia được chỉ định bằng tính kế thừa và thi hành chức vụ này trọn đời.
Khó mà nói thể chế nào cho phép chỉ định nguyên thủ quốc gia một cách tốt nhất. Thật ra mỗi thể chế phải được hiểu trong cái tổng thể của nó. Tổng thống chế có nhược điểm là lôi kéo vị nguyên thủ quốc gia vào những tranh luận về cách điều hành quốc gia hoặc bắt vị này gánh chịu một phần trách nhiệm trong những chính sách mất lòng dân.

18. Còn những người ở chức vụ nào khác cần được chọn qua một cuộc tổng tuyển cử?
Vì người đứng đầu hành pháp phải chịu trách nhiệm trước quốc hội về hành động và về khả năng của các nhân viên chính phủ, và do người đứng đầu hành pháp được dân bầu lên, cho nên việc để cho người đứng đầu hành pháp tự chọn nhân viên của mình sẽ hợp lý hơn việc tuyển chọn qua một cuộc bầu cử, với điều kiện việc tuyển mộ phải lưu tâm đến mọi người có khả năng thích ứng. Song, trong việc tổ chức các cơ quan công quyền, thể chế dân chủ đòi hỏi phải có sự hiểu biết những nhu cầu thực tế và về bối cảnh phát triển của địa phương. Ðiều này nói lên sự cần thiết phải bầu ra những cơ cấu để giám sát việc điều hành một số các lãnh vực như sức khỏe, giáo dục, cảnh sát, v.v... trên bình diện địa phương và để chịu trách nhiệm điều hành tất cả công việc địa phương. Việc tản quyền này thể hiện rõ trong cơ chế liên bang, khi trên bình diện tiểu bang, các tỉnh và các địa phương người ta tìm lại được những cấu trúc lập pháp và hành pháp tương ứng với cấu trúc của liên bang.
Ðứng trước câu hỏi liệu có cần phải bầu ra các quan tòa hay không, người ta dễ có khuynh hướng trả lời rằng nếu các vị đại biểu lập pháp và vị đứng đầu hành pháp đã được dân bầu, thì dĩ nhiên cũng phải để dân bầu những quan tòa. Song le, vì các quan tòa phải thi hành các nhiệm vụ pháp lý (chứ không phải là chính trị) -những nhiệm vụ chủ yếu dựa trên các nguyên tắc như sự gắn bó chặt chẽ (với luật pháp) và sự vô tư (không phụ thuộc vào sự đánh giá của quần chúng)- nên tốt hơn hết là không nên để cho những trách vụ này phải chịu sự phán quyết của dân chúng hoặc để chúng dễ bị phụ thuộc vào một phe nhóm nào đó của xã hội. Trong quyền hạn của mình, chính quốc hội phải làm sao để những đạo luật (mà các quan tòa áp dụng) và mức án (mà quan tòa tuyên bố) phản ánh được dư luận quần chúng chứ không phải phản ánh tâm trạng của những người xử án. Tóm lại cách chọn quan tòa là một vấn đề quan trọng của dân chủ, đặc biệt khi việc tuyển chọn này làm thiệt hại đến các nhóm có số lượng đông đảo trong xã hội như phụ nữ, dân tộc thiểu số hay các nhóm thiểu số khác.

19. Có cần bầu một nghị viện thứ hai không?
Muốn biện bạch cho việc cần bầu một nghị viện thứ hai (bầu theo những tiêu chuẩn hoàn toàn khác với quốc hội) người ta có thể viện dẫn lý do cần giám sát quốc hội càng kỹ càng tốt và ủng hộ nó càng nhiều càng hay. Lý luận này đặc biệt đúng trong một chế độ liên bang với một thượng viện đại diện cho quyền lợi của các tiểu bang thành viên chứ không đại diện cho quyền lợi của quốc gia trong tổng thể của nó. Trên bình diện lập pháp, thượng viện đóng vai đối trọng, rất cần thiết trong một quốc gia mà quyền cá nhân không được bảo vệ bởi Hiến pháp.
Nói chung, hai nghị viện sẽ được bầu theo hai phương thức khác nhau. Thượng viện được bầu theo thể thức gián tiếp hay bầu dựa trên một sự phân chia khu vực bầu cử khác hẳn hay theo một lịch trình bầu cử khác để có thể thay đổi một phần các nghị sĩ trong thượng viện trong mỗi kỳ bầu cử. Trong các quốc gia theo quốc hội chế việc để cho cả nước trực tiếp bầu lại tất cả dân biểu trong hạ viện đã tạo nên bảo đảm cho tính chính đáng của quốc gia về phương diện điều hành quốc gia và giao cho hạ viện một vai trò ưu tiên trong việc soạn thảo luật pháp. Tốt hơn hết cần giao cho thượng viện quyền đình chỉ hoặc quyền phủ quyết. Trong chế độ dân chủ không có gì có thể biện minh được cho sự thành lập một thượng viện mà không thông qua bầu cử.
Các vn đề dân chủ

....Tiếp theo và hết.
20. Chu kỳ của các cuộc bầu cử
Ở thế kỷ 19 những nhà dân chủ cố chấp đã đòi hỏi phải cho bầu cử quốc hội mỗi năm một lần để có thể kiểm soát những dân biểu một cách hữu hiệu. Song, với nhiệm vụ ngày nay, trong vòng một năm, chính quyền và quốc hội không thể điều hành hữu hiệu về kinh tế cũng như không thể đánh giá tác dụng của các chính sách được họ vạch ra. Thông thường người ta cho rằng một nhiệm kỳ 4 năm là một thỏa thuận hợp lý giữa một bên là sự liên tục cần thiết của các chính quyền và một bên là những nguyên tắc buộc chính quyền phải tôn trọng nguyện vọng của người dân và chịu trách nhiệm trước người dân.
Nhiệm kỳ của các vị dân cử dù dài dù ngắn thế nào chăng nữa, vấn đề quan trọng là quyết định kêu gọi toàn quốc đi bầu không được xuất phát từ chính phủ. Ðòi hỏi các cuộc bầu cử phải "tự do và bình đẳng" cũng có nghĩa là (một hoặc những) chính đảng đang cầm quyền không được kiểm soát diễn trình bầu cử và không được dùng nóđể chiếm lợi thế. Ðiều này cũng được áp dụng cho lịch bầu cử cũng như các thức tiến hành bầu cử.

21. Có cần phải giới hạn quyền bầu cử không?
Trong đa số các quốc gia dân chủ việc giới hạn quyền bầu cử thường chỉ được áp dụng đối với trẻ em, với những người bị kết án hình sự, những bệnh nhân tâm thần và người ngoại quốc. Ðây là một tập hợp không đồng nhất của những nhóm người không được quyền bầu cử vì lý do riêng biệt cho từng trường hợp.
Ðối với các trẻ em chưa đủ một tuổi nào đó, việc loại trừ mang ý nghĩa tốt và dựa trên lý do tâm lý liên quan đến sự phát triển của các em. Trước một tuổi nào đó, vì đa số các em chưa có đủ kinh nghiệm và chưa ý thức được đầy đủ về hậu quả lâu dài của những chọn lựa của mình, nên chưa thể miễn cho các em việc cần được bảo hộ tốt. Tại nhiều nước, khi đạt đến một tuổi nào đó, các em sẽ nhận được một số quyền của người trưởng thành: quyền hôn nhân, quyền sở hữu, quyền có tư cách pháp nhân trong kiện tụng và quyền bầu cử. Việc công nhận các quyền này thường đến với tuổi 18, tương ứng với việc học xong trung học và việc thi hành nghĩa vụ quân dịch.
Dù sao việc định độ tuổi trưởng thành cũng chỉ là một chọn lựa hoàn toàn tùy tiện. Ngày nay ai cũng biết rằng các trẻ em thường chín muồi trước tuổi. Hiện nay các em đã có một số quyền, thí dụ như quyền đi làm được trả lương, ngay cả khi chưa đạt đến 18 tuổi. Ðiều đáng buồn là hiện vẫn còn những em cần phải được bảo vệ trước những người có trách nhiệm đối với các em, và do đó người ta phải mở rộng cho các em quyền có tiếng nói trong những việc liên quan đến cá nhân các em, nhiều hơn là các em hiện nay đang có. Dù sao tiến trình trưởng thành cũng là một tiến trình liên tục, cho nên ngay từ tuổi nhỏ, người ta cần phải sửa soạn cho các trẻ em ý thức được trách nhiệm công dân của mình trong một xã hội dân chủ bằng cách cho các em tham gia vào những quyết định được lấy một cách tập thể trong môi trường học đường hoặc gia đình. Dù sao những suy nghĩ này cũng chưa đủ thuyết phục để hạ thấp một cách đáng kể mức tuổi được đi bầu -như mức 18 tuổi hiện nay- hoặc xóa bỏ đi việc ấn định độ tuổi tượng trưng cho sự công nhận của xã hội về sự trưởng thành cũng như về những quyền dành cho những thanh niên đạt đến độ tuổi đó.
Ðối với những người bị kết án tù, người ta có thể biện minh cho việc tước quyền bầu cử của họ rằng khi đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật thì họ sẽ bị mất mọi quyền tham gia vào việc soạn thảo luật, dù bằng cách nào chăng nữa. Nhưng ngược lại việc mất tự do cũng không thể kéo theo việc mất tất cả các quyền công dân khác và đặc biệt hơn nữa, phải cho tù nhân được liên lạc với những vị dân cử để bảo đảm cho họ quyền được bảo vệ trước những cách đối xử phi pháp và dã man và để giám sát điều kiện giam giữ họ. Tương tự như vậy người ta cần có quan niệm rộng rãi đối với những người bệnh tâm thần bởi không thể xếp họ vào một loại đồng nhất -loại người không còn có ý thức gì được về quyền lợi bản thân.
Cuối cùng chúng ta cần bàn về việc tước quyền bầu cử của những người ngoại quốc đang thường trú trong một nước. Trong trường hợp đặc biệt này quyền bầu cử nằm trong một vấn đề rộng lớn hơn là vấn đề nhập tịch. Nếu chúng ta thừa nhận rằng việc khai sinh dân chủ hồi thế kỷ XVIII phát xuất từ việc đặt lại vấn đề các nguyên tắc quân chủ (việc thụ hưởng các quyền chính trị phụ thuộc duy nhất vào yếu tố dòng tộc hoặc sự thừa kế), thì nếu nhất quán chúng ta không được xem quốc tịch là tiêu chuẩn duy nhất để tước quyền bầu cử của những người ngoại quốc đã sống nhiều năm tại một nước nào đó. Người ta có thể tranh cãi nhiều về thời gian cư trú mà một người ngoại quốc cần có để được xem là "ổn cư", nhưng người ta phải thẩm định một cách hợp lý rằng thời gian cư trú để cho ngoại kiều được phép nhập tịch một nước nào đó không thể quá 5 năm.

22. Làm sao thiết lập danh sách cử tri?
Mặc dù người ta có thể nghĩ rằng việc ghi danh lập danh sách cử tri là một công tác hoàn toàn kỹ thuật, nhưng trên thực tế thủ tục ghi danh ảnh hưởng quan trọng đến việc thực thi quyền đầu phiếu. Lập danh sách cử tri trước khi có bầu cử là việc làm cần thiết: danh sách cử tri rất cần để nhận diện từng người đi bầu, để tránh việc có thể bỏ phiếu hai lần hay để ngăn ngừa việc mạo danh một cử tri khác hoặc có thể bỏ phiếu mặc dù không có quyền cử tri.
Tuy nhiên nhiều khi những thủ tục ghi danh đã cản trở người công dân thực hiện việc ghi danh hoặc thực hiện quyền cử tri của họ. Trường hợp này sẽ xảy ra khi việc ghi danh để cho tự nguyện và bị ảnh hưởng bởi đảng viên cuồng nhiệt của các chính đảng muốn dành lợi thế hoặc khi thời hạn khóa sổ ghi danh cách quá xa ngày bầu cử, cho dù vào thời điểm bầu cử danh sách cử tri cần phải được đóng lại. Người dân cũng rất sợ rằng danh sách cử tri sẽ được sử dụng vào các mục đích hành chính khác, chẳng hạn như để kiểm tra tình trạng thuế khóa, nghề nghiệp, gia đình của họ là những dữ kiện mà người dân thường phải cung cấp theo những thủ tục riêng biệt khác.
Một thể thức đáp ứng đúng theo các nguyên tắc dân chủ đòi hỏi việc ghi danh cử tri phải có tính bắt buộc, phải được thi hành bởi một nhân viên chính thức được trả công và được đào tạo để làm việc này, việc cập nhật hóa danh sách cử tri cần thực hiện càng cận ngày bầu cử càng tốt, và những việc này phải được thực hiện một cách riêng biệt -về cả phương diện tài chính lẫn cách thức tiến hành- đối với các bộ hồ sơ hành chính khác.

23. Có cần cưỡng chế bầu cử không?
Tại những quốc gia có cưỡng chế bầu cử (thí dụ Úc) người ta cho việc bắt buộc tham gia chọn lựa chính quyền và dân biểu là một lợi quyền giống như một loại nghĩa vụ dân sự. Vì lợi quyền này là kết quả của sự tranh đấu của nhiều thế hệ nên ai muốn bỏ phiếu trắng thì cứ ghi rõ sự từ chối của mình trong danh sách cử tri thay vì lánh xa các cuộc bầu cử giống như những cử tri thờ ơ, vắng mặt hoặc tử vong. Thực ra chúng ta thấy có một cái gì mâu thuẫn khi nêu đòi hỏi cưỡng chế trong một cuộc bầu cử "tự do" hoặc khi bắt người dân phải thi hành "lợi quyền" của chính họ. Nói cho cùng phiếu trắng -một cách biểu lộ quan trọng của dân chúng- là một dấu hiệu cảnh cáo về sự ách tắc của diễn trình dân chủ.
Nhiều nước dân chủ hiện chấp nhận hình thức từ chối tham gia bầu cử. Nhưng nếu đã xem việc bầu cử là tự nguyện, thì liệu nó có mâu thuẫn gì với việc nhiều quốc gia bắt phải thi hành ghi danh cử tri không? Câu trả lời là không, nếu cho phép người dân khi ghi tên vào danh sách cử tri vẫn còn có quyền chọn lựa có tham gia đầu phiếu hay không, vì trên thực tế mỗi quốc gia cũng cần phải có các danh sách cử tri chính xác và đầy đủ để dùng cho các mục đích hoàn toàn hợp pháp về bầu cử, chẳng hạn như để điều chỉnh con số cử tri giữa các kỳ bầu cử.

24. Tại sao phải bỏ phiếu kín?
John Stuart Mill, một triết gia người Anh theo khuynh hướng tự do, cho rằng cần phải bỏ phiếu công khai để các cử tri có thể biện bạch chọn lựa của họ trước những người khác và để bắt họ phải đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân.
Quan điểm này tuy rất "quý phái" nhưng không được các lý thuyết gia sau ông ủng hộ. Trong khi thi hành, nếu để bầu cử công khai như vậy, các cử tri sẽ ở vào tình trạng khó chống đớ lại các áp lực của các người nắm giữ chức quyền như chủ nhân, sở hữu chủ, giáo sĩ, thượng cấp hoặc dễ bị các ứng cử viên tìm cách mua chuộc lá phiếu của họ. Việc bỏ phiếu kín ngày nay đã là một trong những đặc tính quan trọng được gắn liền với các chế độ dân chủ.

25. Ðiều kiện ứng cử
Trên nguyên tắc mọi cử tri đều có quyền ứng cử. Việc một số quốc gia ấn định một độ tuổi nhất định nào đó -trên mức tuổi có quyền đi bầu- để được ra ứng cử là một ấn định thừa thãi vì ứng cử viên nào chưa có đủ kinh nghiệm trong việc điều hành quốc gia thì cũng sẽ khó mà thắng cử được.
Trong khi đó việc quy định tiến trình đề cử và ghi danh ứng cử lại là một vấn đề khác. Ở đa số các quốc gia, khi đòi hỏi rằng ứng cử viên phải được sự ủng hộ của những đại diện cử tri đoàn và/hoặc phải đóng một số tiền "thế chân" nào đó (mà họ sẽ mất nếu không đạt được một số lượng phiếu tối thiểu nhất định), thủ tục bầu cử thực ra chỉ nhằm ngăn chặn các ứng cử viên ngông nghênh. Tuy nhiên cả hai biện pháp nhằm loại bỏ các ứng cử viên "thích mơ mộng" này có một yếu điểm là có thể loại cả một số ứng cử viên đứng đắn, nhất là khi họ thuộc các nhóm chính trị mới thành lập. Một số nước khác, chỉ những ứng cử viên đại diện các chính đảng được công nhận mới có quyền ứng cử. Tại đó, cho dù mục đích là làm nản lòng các ứng cử viên ngông nghênh nhưng phương cách này lại đưa đến hệ quả kiểm soát các chính đảng và các ứng cử viên và do đó giới hạn cả quyền chọn lựa chính đáng của dân chúng.
Tại Hoa Kỳ, mỗi chính đảng chỉ định ứng viên của mình qua một vòng bầu phiếu sơ bộ, trong đó chỉ có những đảng viên có tên trên danh sách cử tri của đảng mới được bỏ phiếu. Nếu phương thức này đã có thể tập trung các cử tri vào việc đề cử và bầu cử thì nó lại tăng giá trị một cách thái quá các cuộc bầu cử (nội bộ đảng) và ưu đãi các ứng cử viên có nhiều tiền của riêng hoặc được các thế lực tài chính lớn ủng hộ. Ðể tránh tình trạng này người ta có thể chỉ định ứng viên qua một cuộc bầu cử dành cho mọi cảm tình viên của đảng tại quận hoặc khu vực đầu phiếu liên hệ. Dù rất khiêm tốn biện pháp dân chủ hóa việc chọn lựa các ứng viên này đến nay vẫn chưa được đem ra áp dụng một cách rộng rãi cho xứng đáng với ý nghĩa của nó.

26. Tại sao ít có phụ nữ trong các chức vụ dân cử?
Trong các chế độ dân chủ phương Ðông tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội rất thấp so với tỷ lệ phụ nữ trong dân số. Ngay cả tại các nước có truyền thống dân chủ vững chắc tỷ lệ này vẫn dưới 15%: tại Bắc Âu là 35%, Pháp đội sổ với 6%, tại đa số các nước khác khoảng 10%. Tình trạng này bắt nguồn từ những nguyên nhân lịch sử, truyền thống và chính trị. Từ xưa phụ nữ bị xem (do bản chất) là không đủ khả năng hoạt động chính trị, dẫn đến việc tìm cách đưa họ ra xa các loại hoạt động chính trị, để rồi từ đó cho rằng họ không hợp với chính trị. Ðược củng cố thêm bởi sự bất bình đẳng trong việc phân công công việc gia đình (phụ nữ vẫn tiếp tục phải chăm lo con cái và nhà cửa nhiều hơn đàn ông) những di hại tư tưởng này đã cản trở việc phụ nữ hoạt động chính trị chuyên nghiệp để tự nuôi sống lấy mình. Hoạt động chính trị đòi hỏi nhiều thời giờ; giờ giấc của nhân viên chính phủ hoặc dân biểu quốc hội thường không thích hợp với giờ giấc gia đình bình thường. Tóm lại người đàn bà khó đến với các hoạt động chính trị một cách tự nhiên, cho dù bản chất có thích hợp với sự cạnh tranh, với những tranh chấp đảng phái và với sự nổi bật cá nhân.
Tình trạng này có đáng lo ngại không? Nếu xét về nguyên tắc bình đẳng chính trị thì thật đáng lo ngại khi một thành phần xã hội nào đó rõ ràng được ưu đãi để chiếm giữ các chức vụ công cộng hoặc dân cử. Người ta rất có lý khi cho rằng đàn ông không thể lưu tâm bằng phụ nữ đến các vấn đề liên quan đến phụ nữ hoặc không ưu tiên để chi tiêu ngân sách đúng mức cho các vấn đề này. Cho dù rằng phụ nữ nói chung có thể không cùng quan điểm và quyền lợi với nhau nhưng đa số đều rất bực dọc khi thấy một quốc hội gồm đa số là đàn ông mà lại làm ra các đạo luật về ngừa thai, phá thai, hiếp dâm, v.v... Tóm lại, khi người phụ nữ, với những khả năng và đặc thù riêng, không có chỗ đứng tương xứng trong đời sống cộng đồng thì chính xã hội trong toàn thể của nó đã bị nghèo nàn đi.
Làm thế nào để sửa chữa tình trạng này? Chúng ta chỉ có thể sửa lại một sự bất bình đẳng chính trị do lịch sử để lại bằng cách thực hiện nhiều biện pháp trong nhiều lãnh vực. Ðể bắt đầu chúng ta có thể thay đổi quan điểm trong các trường học và trong hệ thống giáo dục, gia tăng phương tiện trông giữ trẻ, cải tổ vấn đề tổ chức về thời gian của các dân biểu và sắp xếp các thiết bị dành cho họ sử dụng. Ðặc biệt các chính đảng phải có bổn phận đưa ra những sáng kiến trong vấn đề này để khuyến khích phụ nữ tham gia việc đào tạo họ, dành ưu tiên cho các ứng cử viên phụ nữ bằng cách quy định số phần trăm ghế đại biểu hoặc dành một số chỗ nhất định cho họ. Những nước Bắc Âu đã cho áp dụng những biện pháp này một cách thành công.

27. Dân biểu được xem là "đại diện" của cử tri trong chừng mực nào?
Về tư cách đại diện chính trị có hai cách diễn giải chính.
Cách thứ nhất dựa trên nguyên tắc "ủy nhiệm" cho rằng dân biểu là người được thân chủ ủy quyền để "thay mặt" cho họ và "hành động thay cho họ". Về một vài phương diện nào đó, vị dân biểu thụ ủy có thể thay mặt toàn thể các thân chủ hoặc cử tri trong địa hạt bầu cử thí dụ như để bảo vệ các quyền lợi địa phương, nói lên quan điểm của cử tri của địa hạt hoặc can thiệp để giải quyết các khiếu nại cá nhân. Còn trong các trường hợp khác, dân biểu thụ ủy chỉ đại diện cho những cử tri nào đã bỏ phiếu cho họ để thực hiện chương trình được đưa ra khi tranh cử (mà không thể đại diện cho những người đã không bỏ phiếu cho họ). Ý kiến cho rằng, trong mọi hoàn cảnh, dân biểu có thể phát biểu và hành động thay cho toàn thể cử tri trong địa hạt bầu cử của họ, là điều giả tưởng bởi nó sẽ trái với những dấn thân cho chương trình mà các dân biểu đã đưa ra khi tranh cử, bao gồm hành động nhất quán cho chương trình này và trách nhiệm để việc thực hiện có hiệu quả.
Cách diễn giải thứ hai về sự đại diện chính trị xuất phát từ quan niệm "tiểu vũ trụ", xem quốc hội như một toàn thể chứ không phải là tập thể các đại diện riêng lẻ. Trong quan niệm này một quốc hội lập pháp mang tính "đại diện chung" bởi nó phản ánh bản chất của cử tri một cách toàn diện về phương diện cấu thành xã hội, phân bố địa lý hoặc phân bố số phiếu dành cho mỗi chính đảng. Dĩ nhiên người ta có thể đặt vấn đề về trọng lượng của từng tiêu chuẩn này. Tuy mọi tiêu chuẩn đều quan trọng nhưng trong một cơ chế mà cử tri phải quyết định chọn lựa giữa những chính đảng có những chương trình họa động chính phủ khác nhau thì tiêu chẩn nào liên quan đến sự cấu thành quốc hội dựa trên trọng lượng phiếu dành cho các chính đảng sẽ là tiêu chuẩn ưu tiên. Cơ chế bầu cử dựa trên nguyên tắc đại diện tỷ lệ là cơ chế thích ứng với tiêu chuẩn này nhất (XX phần 28).
Chúng ta có thể xem rằng hai cách diễn giải dựa trên khái niệm "ủy quyền" và "tiểu vũ trụ" phản ánh hai nguyên tắc dân chủ cơ bản đã đề cập trước đây (XX phần 1). Nguyên tắc về chủ quyền toàn dân (quyền lực chính trị phát xuất từ nhân dân và các quyền lực lập pháp và hành pháp phải đặt dưới sự kiểm soát của nhân dân) được thể hiện qua khái niệm cho rằng dân biểu là người được cử tri ủy nhiệm để thay mặt họ mà hành động, cũng như phải chịu trách nhiệm trước cử tri và có thể bị cử tri bãi chức. Cách diễn giải thứ hai về quyền đại diện dựa trên khái niệm "tiểu vũ trụ" tương ứng với nguyên tắc bình đẳng chính trị, nghĩa là mỗi lá phiếu đều có trọng lượng hoặc giá trị như nhau -không phụ thuộc vào chỗ ở của cử tri hoặc sự ủng hộ một chính đảng nào đó của họ. Vì nguyên tắc này phải chịu một sự giám sát kỹ lưỡng mà quốc hội có thể được xem như một tiểu vũ trụ đại diện cho toàn thể cử tri, tôn trọng sự phân bố về mặt địa lý của cử tri cũng như sự phân bố về phiếu dành cho các chính đảng.

28. Sự khác biệt của các lối bầu cử
Hiện nay các nước trên thế giới đang cho áp dụng các lối bầu cử rất khác nhau. Dưới dây, 5 lối chính sẽ được trình bày một cách khái quát để làm cơ sở suy xét cho phần 29.

(i) Lối bầu đơn danh một vòng lấy đa số (áp dụng trong việc bầu quốc hội Hoa Kỳ, tại đa số các quốc gia Nam Mỹ, Anh Quốc và phần lớn các nước cựu thuộc địa)
Theo lối bầu cử này quốc gia được chia thành những khu vực có số cử tri tương đương với nhau. Mỗi khu vực chỉ được một ghế dân biểu và mỗi cử tri chỉ được bầu cho một ứng cử viên bằng lá phiếu của mình. Ứng cử viên được nhiều phiếu nhất sẽ thắng, bất kể có đạt được đa số tuyệt đối hay không.

(ii) Lối bầu tuyển chọn hoặc ưu tiên (áp dụng để bầu Hạ viện Úc)
Theo lối bầu cử này các khu vực cử tri cũng được chia như lối trên. Chỉ có khác là cử tri sẽ sắp xếp các ứng cử viên theo thứ tự ưu tiên. Khi tổng kết, nếu số phiếu dành cho các ứng cử viên có ưu tiên một không đưa đến kết quả là có một ứng viên nào đạt được đa số tuyệt đối thì ứng viên ít phiếu nhất sẽ bị loại và số phiếu dành cho người này sẽ được đem chia cho các ứng viên được xếp thứ nhì trên phiếu xếp ưu tiên. Thủ tục này sẽ được tiếp tục cho đến khi tìm ra được một ứng viên đạt được đa số tuyệt đối. Người ta cũng có thể đi đến kết quả tương tự bằng cách tổ chức bầu vòng hai giữa hai ứng viên đạt nhiều phiếu nhất trong vòng một (như tại Pháp).

(iii) Lối bầu duy nhất có thể chuyển nhượng (áp dụng tại Ái Nhĩ Lan, Malta và cho bầu cử Thượng viện Úc)
Theo lối này, tại mỗi khu vực cử tri có thể bầu từ ba đến bảy ghế đại diện theo tỷ lệ tương ứng với dân số. Mỗi cử tri sẽ có một số lá phiếu bằng số ghế đại diện và sẽ phải chọn một thứ tự ưu tiên. Muốn trúng cử mỗi ứng cử viên phải đạt được một hệ số (theo tỷ lệ cử tri) nào đó. Những ứng viên nào không đạt được hệ số đó qua những phiếu bầu có ưu tiên một, thì sẽ được tính đến số phiếu có ưu tiên hai hoặc thấp hơn nữa dành cho họ theo một công thức tái phân phối phiếu ưu tiên.

(iv) Lối bầu danh sách (áp dụng tại Do Thái và đa số các quốc gia Ðông Âu)
Theo lối này mỗi chính đảng phải lập danh sách ứng viên (được xếp theo thứ tự ưu tiên) cho vùng hoặc cho toàn quốc. Mỗi cử tri chỉ có một phiếu để bầu cho chính đảng mình ưa thích. Các ứng viên trên danh sách thứ tự sẽ trúng cử tùy theo tỷ lệ phiếu dành cho đảng của mình. Ở một vài quốc gia, các chính đảng phải đạt được một số phiếu tối thiểu nào đó để được vào quốc hội.

(v) Lối bầu hỗn hợp (áp dụng tại Ðức, Hung Gia Lợi và Tây Tây Lan)
Theo lối bầu này một số đại diện (dưới 50%) sẽ được chọn trực tiếp qua lối bầu phiếu đơn danh lấy đa số đã được trình bày trong điểm (i) và (ii) ở trên. Số đại diện còn lại sẽ được chọn theo lối danh sách, theo vùng hoặc toàn quốc, sao cho trong kết quả cuối cùng nói lên tương ứng giữa số ghế và số phiếu dành cho đảng của họ (càng gần với tương ứng này càng tốt). Trong lối này người ta cũng có thể quy định rằng, muốn hiện diện trong quốc hội, mỗi chính đảng phải đạt được một mức phiếu tối thiểu nào đó.

29. Ưu và khuyết điểm của các lối bầu cử
Chỉ có thể đánh giá đúng được những ưu điểm của từng lối bầu cử nếu đặt chúng trong khung cảnh của đặc điểm và sự phân bố dân số trong quốc gia liên hệ cũng như trong sự quan tâm về bầu cử của những chính đảng tại quốc gia đó. Do đó sẽ rất sai lầm khi cho áp dụng lối bầu tỷ lệ cho một quốc gia hoàn toàn không có những chính đảng đã bắt rễ được vào quần chúng, trong khi mà sự phân bố phiếu của dân chúng cho các lực lượng tương ứng lại chính là tinh thần của lối bầu tỷ lệ. Do đó sự đánh giá sau đây không nhằm mục đích trình bày những đặc điểm chung của các lối bầu phiếu khi không xét đến những hậu quả của việc áp dụng.
Ưu điểm của lối bầu đa số một vòng là sự đơn giản. Hơn hẳn các lối khác, lối bầu này cho phép một chính đảng chiếm được đa số trong quốc hội và cho phép chính đảng này cầm quyền một mình. Nó khuếch đại sự ủng hộ của dân chúng đối với chính đảng quan trọng nhất. Và lối bầu này cũng cho phép những tiếng nói yếu thế có thể chuyển dịch để làm thay đổi đa số và dẫn đến sự thay đổi chính phủ, mặc dù sự thay đổi phụ thuộc vào số lượng các các khu vực cử tri "lung lay lập trường".
Khuyết điểm của lối bầu này là có thể tạo ra những kết quả hoàn toàn không tương ứng với số phiếu mà các chính đảng nhận được trên bình diện quốc gia hoặc trong mỗi khu vực cử tri. Lấy thí dụ có 4 chính đảng ra tranh cử trên bình diện quốc gia và đạt được số phiếu theo tỷ lệ sau: 40%, 30%, 20% và 10% và giả dụ số phiếu đạt được tại mỗi khu vực bầu cử cũng sẽ tương ứng với tỷ lệ này. Kết quả là một chính đảng sẽ dành được toàn bộ số ghế quốc hội trong khi 60% cử tri hoàn toàn không có một đại diện nào. Chúng ta có thể nghĩ rằng trường hợp này sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng rõ ràng lối bầu này sẽ ưu đãi những chính đảng có số ủng hộ viên ở tập trung về địa lý và trừng phạt những chính đảng có cử tri nằm rải đều tại các khu vực bầu cử. Việc phân bố cử tri ở đây rất quan trọng. Ngoài ra lối bầu này cũng khuyến khích lối bầu chiến thuật, với một kết quả bấp bênh, khi một cử tri bỏ phiếu cho một ứng viên khác với người mà họ ưa thích mà không thể biết chắc rằng những cử tri khác sẽ bầu ra sao.

Lối bầu cử tuyển chọn (hoặc ưu tiên) có ưu điểm hơn lối bầu đa số một vòng ở chỗ bắt buộc ứng cử viên trúng cử phải đạt được đa số tuyệt đối của cử tri trong khu vực bầu cử, điều không nhất thiết phải xảy ra trong lối bầu cử đa số một vòng. Như thế một ứng cử viên chỉ có thể đại diện cho một khu vực bầu cử nếu ứng viên này tối thiểu đạt được đa số phiếu. Lối bầu tuyển chọn tuy hơn lối bầu đa số một vòng ở chỗ đòi hỏi ứng viên phải nắm vững về sự phân bố lá phiếu, song nó vẫn gây cản trở cho các đảng về thứ ba hoặc thứ tư trong cuộc bầu cử, là những đảng có số cử tri hỗ trợ tuy đông nhưng lại nằm rải rác.

Lối bầu chuyển nhượng cho phép những đảng yếu vẫn có thể có đại diện. Song, tính chất tỷ lệ (số ghế) trong lối bầu này phụ thuộc vào độ lớn của khu vực bầu cử và biến thiên thuận với độ lớn này. Ngoài ra các cảm tình viên của một đảng vẫn có thể chọn lựa giữa những ứng viên do đảng này đưa ra. Ngược lại độ lớn của khu vực bầu cử cũng là một vấn đề, chẳng hạn sự gắn bó giữa dân biểu và cử tri trong một khu vực có quyền có một ghế sẽ giảm đi. Sau hết cũng nên nói rằng phương thức để phân phối số phiếu của những ứng cử viên đạt được ít phiếu nhất cho những ứng cử viên khác là một bài toán rất phức tạp.

Lối bầu theo danh sách có thể xem như một thể thức tạo ra bình đẳng gần như hoàn toàn giữa các lá phiếu cử tri và nhờ đó mà việc phân phối các ghế dân biểu cho các chính đảng tùy theo lượng phiếu mà họ đạt được có thể thực hiện một cách tốt nhất. Nhưng thể thức này có một vài yếu điểm: một mặt những dân biểu sẽ không còn phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước một nhóm cử tri định sẵn nào đó, mặt khác cử tri (và cả những ủng hộ viên) cũng không thể ảnh hưởng gì lên thứ bậc trên danh sách ứng viên của các đảng được nữa. Hậu quả là chính bộ máy đảng -chứ không phải cử tri- quyết định việc chọn lựa các ứng viên. Bù lại lối bầu theo danh sách mở khả năng và tạo thuận lợi cho việc thiết lập các danh sách ứng cử viên "cân đối" lưu tâm đến những khuynh hướng và các nhóm xã hội khác nhau hoạt động trong đảng.

Lối bầu hỗn hợp sẽ dẫn đến các kết quả trong đó tính tỷ lệ sẽ bị phụ thuộc vào số phần trăm dân biểu đắc cử trong khu vực bầu cử, tương tự như lối bầu đơn danh. Lối này, trong trường hợp một đảng được ủng hộ mạnh mẽ, cũng có thể dẫn đến một chính quyền đa số, hoặc ngược lại trong trường hợp mà số phiếu được phân chia đồng đều hơn giữa các đảng, sẽ dẫn đến một chính quyền liên minh. Mặc dù lối bầu hỗn hợp chỉ định hai loại dân biểu, trong đó có một loại dân biểu bị gắn bó với khu vực bầu cử, nhưng cũng không tránh được các yếu điểm đã nêu của lối bầu theo danh sách. Những người ủng hộ cho lối bầu hỗn hợp cho rằng người ta có thể khắc phục những yếu điểm này bằng cách đưa những ứng viên đã thất cử trong vòng bầu đơn danh vào danh sách ứng viên (chung) và buộc các dân biểu đã đắc cử qua danh sách phải chịu trách nhiệm đặc biệt về khu vực bầu cử của mình.

30. Hình thức liên minh cầm quyền có dân chủ không?
Những người bênh vực lối bầu cử đại diện theo tỷ lệ cho rằng lối bầu lấy đa số và lối bầu tuyển chọn không được dân chủ bởi những cách ấy không đối xử công bằng với mọi lá phiếu của người dân, xem một số có trọng lượng hơn số khác. Vì hai lối bầu sau không tôn trọng sự bình đẳng chính trị, là nguyên tắc dân chủ căn bản nhất, nên đã dẵn đến việc thành lập các chính phủ chỉ đại diện cho một thiểu số cử tri, nhiều khi là một thiểu số rất nhỏ nữa. Ngược lại, những người chống lối bầu đại diện theo tỷ lệ lại cho rằng, vì trên thực tế mỗi chính đảng khó có thể đạt được đa số tuyệt đối nên lối bầu tỷ lệ đương nhiên dẫn đến những liên minh cầm quyền.
Do đó dân chúng sẽ bị các lãnh tụ của các chính đảng tước mất quyền chỉ định chính phủ, làm giảm sức mạnh của dân chúng trong việc kiểm soát chính phủ và trong việc đòi hỏi chính phủ phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Một chính phủ liên minh có thể ban cho những chính đảng nhỏ nhiều đặc quyền để câu họ, nhất là khi những chính đảng này giữ vị trí then chốt giữa hai khuynh hướng tả và hữu quá mạnh. Người ta có thể trả lời cho phía chống đối rằng những chính đảng tham gia chính phủ liên minh phải thông báo cho cử tri của họ biết về những quyết định của liên minh cầm quyền và những lực lượng ở giữa (hai khuynh hướng tả và hữu) không thể nào không quan tâm đến sự hoán chuyển khối lượng phiếu cử tri giữa các đảng khuynh tả và khuynh hữu trong các cuộc bỏ phiếu.

Lại một lần nữa, chúng ta khó tách bạch vấn đề trên lý thuyết mà không lưu ý đến những đặc thù quốc gia. Lịch sử cận đại đã cho thấy rõ những sai lầm của lối bầu cử một vòng lấy đa số được áp dụng ở Anh Quốc cũng như những thiếu sót của lối bầu cử theo tỷ lệ đơn thuần xảy ra ở Ý Ðại Lợi. Một hệ thống bầu cử -nếu muốn việc áp dụng được phổ cập- cần phối hợp những ưu điểm của lối bầu đa số với với một tỷ lệ đối trọng cân đối, trong đó liều lượng của mỗi hệ thống phụ thuộc tình trạng của các chính đảng và những điều kiện tổng quát ghi trong hiến pháp.

31. Làm thế nào để bảo đảm sự công bằng trong diễn tiến bầu cử?
Sự công bằng trong bầu cử có thể bị xâm phạm nghiêm trọng bằng ba cách sau đây.
Thứ nhất, chính đảng hoặc liên minh cầm quyền có thể dùng ưu thế quyền lực để xâm phạm công bằng. Ðây là một hiện tượng rất phổ biến mà chúng ta có thể dùng một số biện pháp để hạn chế tai hại. Biện pháp quan trọng nhất là ủy nhiệm cho một ủy ban bầu cử độc lập -được sự chấp nhận của tất cả các chính đảng- công việc kiểm soát toàn bộ diễn trình bầu cử, từ việc làm thẻ bầu cử, việc lên danh sách cử tri, việc tổ chức đợt vận động và việc bỏ phiếu, đến việc kiểm phiếu. Ðặc biệt, nếu không có sẵn một ủy ban độc lập để giám sát về truyền thanh truyền hình, ủy ban bầu cử cũng phải có trách nhiệm điều hòa sự xuất hiện của các chính đảng trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian vận động bầu cử. Ðiểm quan trọng là luật pháp phải cấm mọi sự nhập nhằng giữa chức vụ trong đảng và chức vụ trong chính quyền. Trong trường hợp này tất cả các bộ trưởng phải từ bỏ toàn bộ nhiệm vụ và đặc quyền dành cho chức vụ trong suốt thời gian vận động, trừ những thứ cần thiết để duy trì trật tự công cộng.
Ðe dọa thứ nhì đến sự công bằng trong bầu cử là những hành vi gian lậu của những đảng viên hoặc cảm tình viên của các chính đảng qua tham nhũng, hăm dọa, bôi nhọ nhân cách, phiếu giả, v.v... Người ta có thể chận đứng các hành vi này bằng cách giao cho một bộ phận đặc biệt gồm các nhân viên cảnh sát và những viên chức có trách nhiệm về công tác bầu cử khác nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các ứng cử viên và bảo đảm tính hợp thức của tiến trình bầu cử. Trên tinh thần đó, phải chú trọng đặc biệt đến phẩm chất của các viên chức có trách nhiệm về công tác bầu cử; Việc chỉ định cũng như đào tạo họ phải nằm trong thẩm quyền của ủy ban bầu cử quốc gia. Sự hiện diện của những quan sát viên quốc tế dày dặn kinh nghiệm cũng vô cùng ích lợi; Người ta cần phải kêu gọi họ làm công việc giám sát một cách công tâm để các công tác bầu cử được tiến hành đúng cách và họ cần truyền bá những cách thức bầu cử thích hợp nhất đã được áp dụng trong các cuộc bầu cử toàn quốc tại các nước dân chủ.
Sau hết sự công bằng trong bầu cử có thể bị xâm phạm khi những ứng cử viên nhờ có nhiều tiền của riêng hoặc khi những chính đảng nhờ được các thế lực tài chính lớn yểm trợ mà dành được lợi thế. Cách giải quyết đơn giản nhất là giới hạn gắt gao việc chi tiêu bầu cử -trên bình diện quốc gia hoặc địa phương- của các ứng cử viên hoặc của các chính đảng cho chính họ hoặc cho những việc đem lợi lại cho họ: Ngoài ra mọi ứng cử viên hoặc chính đảng phải được tự do lên các phương tiên truyền thông đại chúng như nhau, theo thể thức được ủy ban bầu cử thông qua.

Trong số những ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn đến sự công bằng trong diễn trình bầu cử người ta phải kể đến những cuộc thăm dò dư luận tại một số quốc gia. Một số quốc gia có luật cấm loan báo kết quả thăm dò dư luận trong tuần lễ trước ngày bầu cử hoặc trong cả thời gian vận động. Biện minh cho quyết định này, người ta cho rằng những cuộc thăm dò dư luận sẽ tác động đến đến kết quả bầu cử: hoặc nó sẽ tạo ảnh hưởng nhân rộng hoặc ngược lại nó khiến cử tri có thái độ bác bỏ. Ngoài ra người ta còn cho rằng những cuộc thăm dò dư luận có thể gây ảnh hưởng đồi bại đến những cử tri chỉ thích nghe chuyện được thua, mất mát do kết quả bầu cử gây nên. Song le, phần đông những chuyên gia đều không tin việc thăm dò dư luận sẽ ảnh hưởng đến quyết định của cử tri cũng như họ không tin vào tác dụng của việc cấm thăm dò vì ngày nay người ta càng dễ tìm hiểu mọi vấn đề qua các phương tiện truyền thông quốc tế.

32. Công quỹ có cần tài trợ cho các chính đảng không?
Những người muốn công quỹ tài trợ cho các chính đảng cho rằng vì chính đảng đóng một vai trò then chốt trong sự hoạt động của một chính thể dân chủ nên cần nâng đỡ tài chính cho các chính đảng, và ngoài ra, một sự hỗ trợ của công quỹ sẽ giảm bớt ảnh hưởng của những nhóm quyền lợi có thế lực đối với các chính sách. Những chính đảng có thể nhận được tài trợ theo tỷ lệ phiếu nhận được trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia. Những nhóm nào đòi tước quyền dân sự và quyền chính trị của một nhóm công dân hoặc đã phạm tội gian lậu bầu cử sẽ không được nhận tài trợ.
Những người chống việc tài trợ cho rằng những chính đảng chỉ thực sự đóng tốt vai trò phản ánh dư luận quần chúng nếu họ độc lập về mặt tài chính với các cơ quan quyền lực. Sự độc lập này chỉ có được nếu các chính đảng được tài trợ bởi những nguồn tiền đóng góp tự nguyện. Các chính đảng sẽ phải cố gắng giành lấy sự tín nhiệm của dân khi chính họ phải chạy tiền để trang trải chi phí hoạt động. Ngoài ra nếu muốn hạn chế ảnh hưởng bất chính của những nhóm quyền lợi, người ta có thể bắt các chính đảng phải kê khai mọi món tiền ủng hộ vượt quá một giới hạn nào đó hoặc bắt các nơi muốn quyên tiền phải lấy sự chấp thuận của những thành viên hoặc cổ đông.
Tại các nước có truyền thống dân chủ vững chãi, các chính đảng thường được tài trợ bởi những món tiền đóng góp tự nguyện, cho dù rằng Nhà nước có thể tài trợ ở mức độ giới hạn nhất định cho các hoạt động được quy định thật rõ ràng, thí dụ như cho việc đào tạo cán bộ đảng hoặc cho phép sử dụng miễn phí các phương tiện truyền thông đại chúng trong các cuộc vận động bầu cử. Sự hỗ trợ tài chính có thể đặc biệt hữu dụng tại những nước đang chuyển tiếp để xây dựng chế độ dân chủ, khi không mấy người dân biết đến luật lệ tranh cử hoặc phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống chính đảng tại những nướcđó.

33. Có nên cho các dân biểu thay đổi đảng tịch giữa 2 kỳ bầu cử không?
Không nên. Khi ra trình diện cử tri dưới một nhãn hiệu chính trị nhất định nào đó, ứng cử viên phải có bổn phận ủng hộ đảng của mình trong suốt nhiệm kỳ quốc hội. Nếu không, phương cách dùng bầu cử để phân biệt các chương trình và khuynh hướng chính trị sẽ mất mọi ý nghĩa.
Trong chế độ bầu cử dựa trên khu vực cử tri, những dân biểu nào muốn đổi đảng tịch đều phải từ nhiệm và ra ứng cử trở lại trong một cuộc bầu cử riêng rẽ. Trong chế độ bầu cử dựa theo lối bầu danh sách, người dân biểu muốn đổi đảng tịch chỉ cần từ nhiệm và nhường ghế dân biểu cho người kế tiếp trong danh sách của đảng cũ.

34. Các cử tri có quyền hành gì giữa hai kỳ bầu cử?
Người ta sẽ vô cùng sai lầm khi cho rằng các cử tri hoàn toàn bất lực giữa hai kỳ bầu cử vì họ chỉ có thể biểu lộ ý kiến chính trị bằng cách bỏ phiếu khoảng bốn năm một lần mà thôi. Người quên rằng những đảng cầm quyền luôn luôn nghe ngóng dư luận vì sợ sẽ bị cử tri chất vấn trong kỳ bầu cử tới. Nói cách khác, sự thất cử là nỗi sợ ám ảnh thường xuyên người cầm quyền. Ðiều này càng được thấy rõ hơn trong những quốc gia áp dụng lối bầu đa số, khi sự thất bại của đảng cầm quyền ở một địa phương có thể dẫn tới việc định hướng lại đường lối chính trị của chính quyền (trung ương), kể cả việc cải tổ lại nội các.
Ngoài ra, cử trị còn có vô số các phương tiện để ảnh hưởng lên chính quyền về một số lãnh vực và giữa hai kỳ bầu cử. Họ có thể gia nhập những nhóm tạo áp lực hoặc hiệp hội, tham gia các chiến dịch vận động quần chúng, tiếp xúc với các dân biểu của họ và các nhân viên chính phủ, tham gia các cuộc biểu dương lực lượng, v.v... Sau hết, họ có thể dùng các phương tiện truyền thông để thường xuyên phát biểu ý kiến và tập hợp lực lượng.

35. Trong chế độ dân chủ, khi nào phải sử dụng hình thức trưng cầu dân ý?
Tại đa số các quốc gia dân chủ, những dự án nhằm sửa đổi hiến pháp hoặc những dự luật có ảnh hưởng đến hiến pháp đều phải thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, nhiều khi còn đòi hỏi phải được thông qua với đa số tuyệt đối các cử tri. Người ta lý luận rằng hiến pháp thuộc về toàn dân chứ không thuộc riêng các nghị viện hoặc các chính phủ nhất thời. Do đó mọi thay đổi phải được người dân trực tiếp thông qua.
Nhưng nếu mở rộng ra hơn nữa thì việc xin ý kiến dân chúng về những vấn đề chính trị chung chung hoặc về những dự luật căn bản qua một cuộc trưng cầu dân ý vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Phe ủng hộ cho rằng phương cách trưng cầu dân ý là một phương tiện chính yếu trong đời sống dân chủ giúp cho người dân có ý kiến trực tiếp về những vấn đề hệ trọng, nếu không sẽ chẳng có ai để ý đến những vấn đề này hoặc chúng sẽ bị vùi giấu trong những lời tuyên bố ứng cử chung chung của một chính đảng.
Còn phe chống đối lại cho rằng, một khi đã ý thức được sự liên quan đan cài giữa những vấn đề được đem ra cho công chúng phân xử (thí dụ như liên quan giữa các chính sách về thuế và ngân sách), thì quả là khiên cưỡng khi đem tách một vấn đề ra khỏi bối cảnh chung của nó hoặc khi cho rằng các dân biểu không có quyền quyết định về một số vấn đề nào đó (trong khi họ lại được quyết định về mọi vấn đề khác).
Do đó, việc trưng cầu dân ý, trên thực tế, là một dấu hiệu của sự bất tín nhiệm chế độ đại diện cửa tri, và thay vì gia tăng trách nhiệm cho các dân biểu thì người ta lại còn làm giảm nó đi. Ðây là một vấn đề mà ta không thể trả lời một cách rõ ràng là khi nào thì nên hoặc không nên. Các quốc gia dân chủ sẽ phải tự tìm lấy câu trả lời thích ứng dựa trên tập quán chính trị của nước họ.

III. Tính trong suốt và trách nhiệm của chính quyền

36. Tại sao hoạt động trong suốt của chính quyền lại quan trọng đối với dân chủ?
Sự trong suốt của các hoạt động của chính quyền là điều không thể thiếu được trong dân chủ, bởi nếu không có những thông tin chính xác về các hoạt động của chính quyền cũng như về ảnh hưởng của các chính sách, thì những người nắm giữ các trách nhiệm trong lãnh cực công sẽ không thể nào đánh giá được về các hoạt động của mình và người dân cũng bị mất những yếu tố dùng làm cơ sở xét đoán cho việc sử dụng lá phiếu của họ trong các kỳ bấu cử. Sự tiếp cận các nguồn thông tin loại này, do đó, phải được xem như là một loại quyền của công dân và của các phương tiện truyền thông hoạt động đại diện cho dân chứ không thể bị xem là quyền lợi được chính quyền ban phát. Bởi cử tri là người chọn ra chính quyền nên họ phải có quyền được biết họ đã bỏ tiền ra mua món hàng nào và người ta đã đại diện họ dể làm chuyện gì.
Dù rằng việc tổ chức để người dân có thể tiếp cận với các thông tin loại này bị xem là một sự phung phí ngân quỹ quốc gia nhưng chính việc này lại góp phần làm gia tăng hiệu năng của các hoạt động chính quyền bằng cách đưa ra ánh sáng những vụ lãng phí công quỹ, chống tệ nạn tham nhũng và vạch ra những sai lầm của chính quyền trước khi chúng trở thành bệnh mãn tính. Việc để cho các công dân được tiếp cận với những hồ sơ của chính quyền cũng như của các cơ quan trực thuộc có liên quan đến dân là một thành tố quan trọng của việc bảo vệ các quyền tự do của người dân. Nhưng thế nào là sự trong suốt của hoạt động của chính quyền? Chúng ta có thể xem sự trong suốt này phải bao gồm bốn mặt chính. Thứ nhất, sự trong suốt bao gồm việc chính quyền phải tự mình cung cấp thông tin về những dữ kiện liên quan đến những chính sách, chẳng hạn như những số liệu được dùng làm cơ sở cho việc hình thành chính sách, những ảnh hưởng thực tế, những hậu quả, những phương thức áp dụng v.v...
Thứ nhì, sự trong suốt bao gồm khả năng để tư nhân và báo chí tiếp cận -một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua quốc hội- với những hồ sơ tài liệu của chính quyền. Thứ ba, sự trong suốt bao gồm tính chất công khai của các buổi hội họp, thí dụ những phiên họp của quốc hội, của các ủy ban trong quốc hội, của những công sở hoặc đơn vị hành chánh địa phương. Cuối cùng, sự trong suốt bao gồm việc chính quyền, khi muốn soạn thảo và thi hành những chính sách, phải tham khảo ý kiến của những nhóm quyền lợi liên hệ một cách có hệ thống, bao gồm cả việc phổ biến thông tin và những góp ý nhận được trong những buổi tham khảo này.
Sự trong suốt của hoạt động chính quyền có loại trừ một số loại thông tin nào đó không? Trong những thể chế dân chủ, những loại thông tin sau đây thường được xem là cần bảo mật một cách chính đáng: quyết định của nội các hay của hội đồng bộ trưởng, ý kiến mang tính cách chính trị của các công chức cao cấp đối với thành viên chính phủ. Ðây là những tin tức mà nếu bị lộ ra thì sẽ ảnh hưởng đến nền an ninh quốc gia, sự toàn vẹn của cơ chế dân chủ, sự an toàn nhân thân của một số cá nhân, những bí mật thương mãi của những hãng xưởng, những hồ sơ nhân viên mà chỉ có người có trách nhiệm mới được phép tiếp cận.

37. Làm thế nào để bảo đảm cho hoạt động chính quyền được trong suốt?
Trong thế kỷ trước, khi phạm vi hoạt động chính quyền còn hạn chế, người ta nghĩ rằng chỉ cần quyền tự do báo chí là đủ để bảo đảm sự trong suốt của hoạt động chính quyền. Ngày nay, ý thức rằng sự phức tạp ngày càng tăng và ảnh hưởng ngày càng lớn của chính quyền, một sự bảo vệ chặt chẽ nhất về quyền tự do báo chí - trong đó bao gồm cả việc bảo mật những nguồn cung cấp thông tin cho báo chí - cũng chưa đủ. Chính quyền và những cơ quan hành chánh có khuynh hướng tự nhiên là thích ẩn núp sau bức màn bí mật để bao che cho những sai lầm hoặc lạm quyền, để tránh gặp phiền phức hoặc chỉ đơn giản là khỏi phải thú nhận những lỗi lầm. Ngày này, phương cách hữu hiệu duy nhất để chặn đứng khuynh hướng này là việc thông qua một đạo luật bắt buộc phải bảo đảm sự trong suốt của hoạt động chính quyền, hay nói cách khác là bảo đảm quyền tiếp cận thông tin.
Hoa Kỳ và Thụy Ðiển là hai quốc gia có nhiều đạo luật tiêu biểu cho việc bảo đảm quyền tự do tiếp cận thông tin. Những đạo luật này (đã được mổ xẻ kỹ trong câu 36) quy định chính phủ có bổn phận phải công bố hoạt động của mình, quy định quyền của người dân được tiếp cận với những tài liệu của chính phủ, quy định phải mở cửa cho công chúng tham dự các buổi họp của các cơ chế quyền lực và quy định việc bảo vệ cho những thành viên nào của bộ máy hành pháp muốn đưa tin (tố cáo) về sự thi hành đáng chê trách hoặc gian lậu của khối hành pháp. Ðây là những đạo luật có tính cách củng cố và bổ túc cho những quy định cho phép các dân biểu hoặc thành viên quốc hội được quyền tiến hành các cuộc giám sát hoạt động của khối hành pháp. Ðây là những đạo luật cho phép các tòa án chứ không phải là chính quyền - đây mới chính là khía cạnh quan trọng nhất của các đạo luật thuộc lại này - được phép định nghĩa những ngoại lệ của nguyên tắc trong suốt, tức là những ngoại lệ cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và đời sống riêng tư.
Chúng ta cũng cần bàn thêm về hai vấn đề sau đây. Vấn đề thứ nhất là tầm quan trọng của ngân quỹ được các chính quyền dùng trong việc giao tế công cộng (*). Ngày này giao tế công cộng không còn giới hạn trong việc trình bày những thông tin dữ liệu liên quan đến hoạt động của chính phủ mà còn bao gồm cả những quyết định về lịch thông báo, việc lựa chọn chiến lược trình bày thông tin sao cho thông tin được đón nhận một cách thuận lợi nhất, việc để rò rỉ những thông tin "đã được chọn lựa" và tất cả mọi thủ thuật trong ngành giao tế công cộng để gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội. Vì có những thủ thuật như vậy nên luật pháp phải đặc biệt bảo đảm quyền được hỏi và quyền được kiểm tra những thông tin do chính quyền đưa ra một cách thực sư tự do. Liên quan đến vấn đề này, người ta cần thành lập một dịch vụ thống kê công cộng độc lập với chính quyền để cho quốc hội và dân chúng có thể hỏi thăm một cách thật bình đẳng (so với chính quyền).
Vấn đề thứ hai là sự trong suốt của hoạt động chính quyền vượt quá phạm vi của quyền được tự do tiếp cận thông tin rất nhiều. Phạm vi của sự trong suốt bao gồm cả khả năng đòi hỏi một vị bộ trưởng phải biện hộ cho hành động của mình và phải đưa vấn đề ra tranh luận công khai, bao gồm cả nghĩa vụ (mà tùy trường hợp sẽ được gia giảm về sự bó buộc) của một chính phủ phải đưa việc soạn thảo và thi hành chính sách ra hỏi ý kiến công luận. Về điểm cuối vừa nêu, người ta cần phải có một đạo luật ấn định rõ lịch trình và phương thức tham khảo, ấn định việc phổ biến rộng rãi các thông tin do các phe phái khác nhau cung cấp về vấn đề đang bàn cãi và ấn định việc lượng giá sự ảnh hưởng đến môi trường xung quanh của các dự án. Khái niệm về sự trong suốt ở đây bao gồm khả năng của một chính quyền cả trong việc biết làm tốt việc để cho người dân tiếp cận với thông tin lẫn trong việc biết lắng nghe.

(*) Giao tế cộng cộng: public relation, relation publique, Oeffentlichkeitsarbeit

38. Thế nào là trách nhiệm của chính quyền?
Trách nhiệm của chính quyền được đặt ra trên ba phương diện.
Thứ nhất là trách nhiệm về mặt pháp lý, nghĩa là mọi cá nhân đảm nhiệm các trách vụ công cộng - dù do dân bầu lên hay không - đều phải chịu trách nhiệm trước tòa án về tính hợp pháp của các hành động của mình. Ðây là điểm cốt lõi của nguyên tắc thượng tôn pháp luật, theo đó, những người soan thảo cũng như những người áp dụng luật pháp và chính sách đều phải hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và luật pháp, dựa trên những quyền hạn mà luật pháp quy định và giới hạn cho họ.
Thứ hai là trách nhiệm về mặt chính trị, nghĩa là chính quyền hay bộ máy hành pháp phải có trách nhiệm trình bày cho quốc hội hoặc nhân dân rằng, các chính sách, lớp lang tổ chức và phương thức thực hiện các chính sách đó được dựa trên những cơ sơ có căn cứ. Việc quy kết trách nhiệm trong loại trách nhiệm pháp lý có thể thực hiện được một cách tương đối đơn giản bằng cách đưa người có chức vụ ra tòa để xử. Trong khi đó, việc quy kết trách nhiệm trong loại trách nhiệm chính trị không đơn giản chút nào vì việc thực hiện chính sách rất phức tạp. Thông thường các cơ quan nhà nước trực thuộc chính quyền mà trong đó các nhân viên không được chọn qua một cuộc bầu cử (như trong bộ máy hành chánh, lực lượng vũ trang, lực lượng cảnh sát, các cơ quan an ninh) sẽ phải chịu trách nhiệm trước vị chủ tịch bộ máy hành pháp (do dân bầu) qua trung gian của các bộ trưởng do chính vị chủ tịch này bổ nhiệm. Về phần của họ, vị chủ tịch bộ máy hành pháp và các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước dân chúng (phán xét qua các kỳ bầu cử) cũng như trước quốc hội (trong vai trò đại diện của dân giữa hai kỳ bầu cử). Các dân biểu quốc hội sau đó cũng phải báo cáo lại cho các cử tri của mình.
Thứ ba là trách nhiệm về mặt tài chính nhằm bảo đảm việc chi dùng tiền thuế vào những mục đích đã được cơ quan lập pháp (quốc hội) phê chuẩn, để việc chi dùng này càng hữu hiệu bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Ðường dây trách nhiệm của loại trách nhiệm tài chính cũng giống như đường dây của loại trách nhiệm chính trị cộng với vai trò của một vị tổng thanh tra các trương mục. Vị tổng thanh tra này tuy phải chịu trách nhiệm trước quốc hội nhưng lại hoạt động hoàn toàn độc lập về mặt chuyên môn khi đi kiểm tra chi tiết các khoản chi tiêu của chính phủ.
Mỗi đường dây này góp phần thực hiện nguyên tắc dân chủ: người dân được quyền kiểm soát chính phủ. Muốn quy trách nhiệm về chính trị và tái chính, người ta thấy cách tốt nhất là ủy nhiệm việc kiểm soát cho các cơ quan chuyên môn. Những cơ quan này - trong phạm vi hoạt động của họ - rất cần được hưởng sự bảo vệ tương đối nào đó trước áp lực của công chúng hoặc của những người giữ trách vụ chính trị và được kính trọng bởi lương tâm chức nghiệp của họ. Phân tích cho cùng, khi đã có tòa án giữ gìn việc tuân thủ luật pháp và khi có tổng thanh tra kiểm nhận các chi tiêu là phù hợp với sự duyệt xét ngân sách của quốc hội và với hiến pháp thì chỉ còn trách nhiệm chính trị là cần đáng lưu ý hơn cả.

39. Tại sao sự phân quyền lại quan trọng?
Việc cầm quyền ở các nước dân chủ được chia thành ba ngành, đó là ngành hành pháp (thường được gọi cho tiện là "chính quyền") có trách nhiệm soạn thảo và áp dụng các chính sách, ngành lập pháp (quốc hội hoặc viện dân biểu) có trách nhiệm phê chuẩn các đạo luật và các sắc thuế cũng như kiểm soát hành pháp, và ngành tư pháp (các tòa án) có nhiệm vụ giám sát việc thi hành luật, nghĩa là tìm ra các trường hợp vi phạm, và xét xử thủ phạm của những vi phạm này.
Sự tách quyền lực thành ba ngành riêng biệt là nguyên tắc then chốt để bảo vệ những dạng trách nhiệm pháp lý, chính trị và tài chính vừa được đề cập ở trên. Nếu như tòa án không độc lập với lập pháp và hành pháp thì nó không thể canh chừng việc hành động phù hợp theo pháp luật của những người mang trách vụ công mà không sợ bị trả thù hoặc mong được thưởng. Tương tự như vậy, nếu quốc hội không có quyền phê chuẩn các đạo luật một cách thật độc lập, không có quyền quyết định về thuế khóa hoặc kiểm soát hành pháp thì trách nhiệm chính trị và tài chính của chính quyền đối với cử tri sẽ bị sói mòn.
Mặc dù sự tách biệt giữa ngành lập pháp và hành pháp là một trong những đặc trưng truyền thống của các chính quyền dân chủ nhưng sự tách biệt này cũng biến dạng tùy theo những chế độ chính trị khác nhau. Chính trong các chế độ có tổng thống, khi việc bầu vị chủ tịch hành pháp (tổng thống) được tách khỏi việc bầu các dân biểu và khi mà vị chủ tịch hành pháp không giữ vai trò nào trong lãnh vực lập pháp, người ta thấy hai ngành quyền lực này được tách biệt rõ ràng nhất. Ngược lại, trong một chế độ đựa vào thủ tướng, khi người lãnh đạo của chính đảng chiếm đa số trong quốc hội được gọi ra điều khiển chính quyền, thì có thể nói rằng vị chủ tịch hành pháp này lúc nào cũng đứng ở vị trí đôi trong mọi lãnh vực, vừa là chủ tịch hành pháp và vừa là trưởng khối đa số trong quốc hội.
Mỗi chế dộ vừa nêu đều có ưu và khuyết điểm riêng. Nói chung, tổng thống chế có ưu điểm là bảo đảm cho những đại diện lập pháp có nhiều độc lập hơn để kiểm soát phía hành pháp, mặc dù rằng sự kiểm soát này còn tùy thuộc cách tổ chức các chính đảng cũng như phụ thuộc vào ảnh hưởng của hành pháp và lập pháp lên sự hình thành các lực lượng chính trị. Mặt khác chế độ này có khuyết điểm có thể đưa chính quyền vào thế kẹt bằng cách cản trở không cho nó có phương tiện làm luật và tài chính cần thiết để thực hiện những chương trình mà dân chúng đã lựa chọn. Trong một vài trường hợp cực đoan, việc phân biệt này đã dẫn đến sự đụng độ giữa hai ngành quyền lực; Khi đó mượn tiếng được dân chúng trao cho mình quyền lực hợp pháp qua cuộc tổng tuyển cử và lợi dụng uy quyền đối với lực lượng vũ trang, vị tổng thống có thể giành lấy quyền lập pháp qua một cuộc bỏ phiếu toàn dân.
Những chế độ được xây dựng trên ưu thế của vị thủ tướng chính phủ đặt nền tảng cho phép một sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa hoạt động của chính quyền và hoạt động của những dân biểu là những người được kêu gọi bỏ phiếu cho những đạo luật và sắc thuế cần cho việc thực hiện các chương trình của chính phủ. Một lợi điểm khác là mô thức này giảm thiểu khả năng dùng bạo lực của hành pháp đối với quốc hội (ưu điểm này được xem là vô cùng quan trọng trong trường hợp các chế độ dân chủ mới được hình thành gần đây). Ngược lại loại chế độ này có khuyết điểm là trao cho hành pháp quyền đặt lịch trình nghị sự cho quốc hội và giới hạn khả năng kiểm soát hành pháp của quốc hội bởi những dân biểu trong khối đa số tại quốc hội thường có khuynh hướng bảo vệ uy tín của chính phủ (mà họ còn mắc nợ vì chiếc ghế dân biểu và từ đó quyết định cả sự thăng tiến của họ nữa) nên sẽ không tố cáo những thiếu sót của chính phủ.

40. Thế nào là thượng tôn pháp luật và làm sao để bảo vệ nguyên tắc đó?
Nguyên tắc thượng tôn pháp luật diễn tả khái niệm đơn giản, theo đó những người mang trách vụ công cộng, dù đó là chức vụ dân cử hay không, phải tuân theo luật pháp và hiến pháp khi hành xử những quyền hạn được trao cho họ; Những quyền hạn này được định nghĩa và giới hạn rõ ràng bởi luật pháp (xx câu 38 về trách nhiệm pháp lý). Nguyên tắc này bắt nguồn từ khái niệm của Aristote cho rằng loại chính quyền tốt nhất là loại chính quyền dựa trên sự thượng tôn pháp luật chứ không dựa trên con người. Theo nghĩa cận đại, nguyên tắc này xuất phát từ cuộc tranh đấu nhằm giới hạn không cho nhà cầm quyền và những đại diện chính thức của họ sử dụng quyền lực một cách tùy tiện và bắt hành pháp phải đặt mọi hoạt động của mình dưới sự phán xét của các cơ quan tư pháp.
Người ta có thể xem nguyên tắc thượng tôn pháp luật như hòn đá tảng của cả tự do cá nhân lẫn dân chủ. Không có nguyên tắc này thì sẽ không thể bảo vệ được bất cứ quyền tự do cá nhân nào trước quyền lực của hành pháp. Vả lại khi luật pháp đã phát xuất từ một hiến pháp dân chủ và từ một cơ quan lập pháp dân cử thì việc cơ quan hành pháp tuân thủ nguyên tắc này là một trong những đòi hỏi của những chế độ dân chủ. Bởi lẽ đó người ta có thể xem những toan tính nhằm bẻ quẹo các thủ tục và quy định pháp lý nhân danh "quyền lợi quốc gia" hoặc chịu áp lực từ yêu sách nhất thời của quần chúng là phản dân chủ.
Muốn áp dụng nguyên tắc thượng tôn pháp luật thì phải có một bộ máy tư pháp độc lập để giám sát sự tôn trọng đó. Khi nói đến đến bộ máy tư pháp, Ðiều 1 của "Những nguyên tắc căn bản" của Liên hiệp quốc đã ghi rõ rằng "sự độc lập của bộ máy tư pháp cần được bảo đảm bởi Nhà nước và phải được Hiến pháp và quốc hội thừa nhận". Sự độc lập này bao gồm cả sự độc lập tập thể của bộ máy tư pháp, như một cơ quan cần được bảo vệ trước những xâm phạm của ngành hành pháp, lẫn sự độc lập cá nhân của những thẫm phán, khi họ cần phải hoàn thành một cách trong sáng các trách vụ được giao phó. Việc bảo vệ sự độc lập song đôi này đòi hỏi nhiều hơn những gì đã được hiến pháp bảo đảm trên giấy tờ. Việc bảo vệ sự độc lập này phụ thuộc rất nhiều vào phương thức chỉ định các thẩm phán và vào sự bảo đảm để họ có thể tiếp tục chức vụ giao phó.
Việc chỉ định các thẩm phán không thể nằm trong quyền hạn của chính quyền hay bộ máy hành pháp mà phải do một ủy ban tư pháp của quốc hội hoặc do một ủy ban độc lập chuyên lo về công tác tư pháp được hiến pháp công nhận đảm trách. Những thẩm phán này không thể bị chính quyền đương thời cách chức. Ngược lại họ cần có những bảo đảm để có thể tiếp tục trách vụ. Chỉ có cơ quan nào đã bổ nhiệm họ mới có thể cách chức họ nhưng cũng phải theo đúng thủ tục được dự trù cho mục đích này cũng như vì những lý do được định nghĩa rõ ràng, thí dụ như tham nhũng, thiếu xót nghiêm trọng trong công việc giao phó hay bất cẩn. Sự tuân thủ những nguyên tắc này cũng được áp dụng cho những nghề nghiệp tư pháp khác, khi mà sự độc lập của họ đối với hành pháp cũng cần thiết cho sự bảo vệ nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

41. Vai trò của quốc hội trong việc kiểm soát trách nhiệm của chính quyền
Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát trách nhiệm về chính trị và tài chính của khối hành pháp. Trước hết Quốc hội có thể thi hành sự kiểm soát này nhờ dựa vào quyền phê chuẩn các đạo luật tổng quát và thuế khóa và nhờ dựa vào việc áp dụng những thủ tục bảo đảm rằng những đề nghị được chuyển cho quốc hội là những đề nghị đã được cân nhắc và bàn thảo kỹ lưỡng trước khi được các dân biểu thông qua. Thứ đến, Quốc hội còn có những quyền hạn cần thiết để giám sát hoạt động của khối hành pháp khi đặt câu hỏi với các bộ trưởng, khi kiểm soát các tài liệu thích hợp và khi tiến hành thủ tục chất vấn những nhân vật liên hệ trong bộ máy hành pháp. Những công việc này được thực hiện trong những phiên họp khoán đại của quốc hội hay trong những ủy ban chuyên môn được thành lập trong khuôn khổ của một tập thể có phối hợp.
Hiệu quả của công việc kiểm soát của quốc hội về cách thức mà chính quyền hoàn thành các nhiệm vụ phụ thuộc một phần vào quyền tự do phát biểu của người dân biểu. Thông thường người ta cho rằng chỉ cần ban cho các dân biểu quyền đặc miễn pháp lý về những đề nghị mà họ đưa ra trong quốc hội để họ có thể phát biểu không sợ sệt. Do sự phức tạp của các hoạt động của chính quyền đương thời nên những dân biểu chỉ có thể đóng vai trò phê phán một cách hữu hiệu khi họ có một văn phòng làm việc và những phương tiện tra cứu cần thiết và khi họ có thể hợp tác với những chuyên viên khác ở ngoài. Một điều khá quan trọng là họ không bị bắt buộc phải tuân theo quan điểm của chính đảng của họ để đến nỗi đánh mất óc phê phán. Khi các dân biểu bị phụ thuộc vào bộ máy chính đảng của họ trong việc bầu hoặc đề cử vào các ủy ban chuyên môn thì quan điểm của họ khó đi ra ngoài đường hướng của đảng.
Trong việc kiểm soát chính phủ chúng ta không thể bỏ qua vai trò quan trọng của hệ thống đảng phái có tổ chức. Chính đảng đối lập phải có khả năng hành xử như một chính quyền thay thế cũng như phối hợp những hoạt động kiểm soát chính quyền bằng cách giám sát thường xuyên các hoạt động của chính quyền bằng con mắt phê phán.
Nhiều người cho rằng đây là khía cạnh bạc bẽo của công việc của một dân biểu vì trong nhiều trường hợp người ta có cảm tưởng rằng sự chỉ trích của phía đối lập chỉ nhằm mục đích gây cản trở và không có một biện pháp nào của chính phủ -dù có tốt đẹp- làm vừa được lòng họ. Ðó là trường hợp của quốc hội chế Anh quốc dựa trên sự đối lập của 2 chính đảng và những quốc hội chế khác cùng dựa trên hệ thống này. Cần nói thêm rằng mức độ cải tiến về cấu trúc của các chính phủ đương thời đòi hỏi việc kiểm soát của các chính đảng đối lập cũng phải có một cấu trúc phát triển tương ứng. Những chính đảng này phải được chỉ trích chính phủ một cách tự do mà không bị nghi ngờ về tinh thần ái quốc của họ

42. Ai có thể trở thành dân biểu quốc hội?
Thực ra chúng ta bầu người đại diện chúng ta trong quốc hội không phải vì khả năng riêng biệt của họ mà bởi vì chúng ta tin tưởng họ. Chúng ta tin rằng họ sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ quyền lợi của những người bầu ra họ, họ kiểm soát hoạt động cũng như những dự án của chính phủ, và giữ chính sách theo hướng mà họ đề ra khi tranh cử. Mọi người -bất kể thuộc tầng lớp xã hội nào- nếu thông minh vừa phải, có lương tâm, biết cách sắp xếp tổ chức, biết diễn đạt tương đối chính xác đều có thể hoàn tất nhiệm vụ của một dân biểu. Khi trúng cử người dân biểu sẽ có nhiều thời giờ và phương tiện để hoạt động tốt hơn. Họ sẽ dần dần thu thập kinh nghiệm, mặc dù trong chế độ dân chủ không ai có thể bảo đảm vai trò dân biểu này suốt đời cho họ được.

Số người có khả năng để làm dân biểu tuy rất nhiều nhưng trên thực tế chỉ có một số nhỏ được tuyển chọn. Con đường vào quốc hội -thông thường- là một con đường dài và khó khăn. Thường, các dân biểu là người của các chính đảng có tiếng tăm và đã hoạt động nhiều năm cho chính đảng này. Nhiều người từng có kinh nghiệm làm dân cử ở cấp huyện hoặc tỉnh. Họ phải thuyết phục ban tuyển chọn ứng viên trong đảng và có thể đã có vài ba thất bại trước khi được đứng vào vị trí "sáng giá" trong khu vực bầu cử hoặc trên danh sách của đảng nhà. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, nếu đảng nhà gặp xui trong năm đó thì chưa chắc họ sẽ trúng cử. Do đó người dân biểu cần rất nhiều sự bền chí và may mắn để thắng cử. Chỉ có những người nào đã bỏ nhiều công sức cho công việc xã hội và sẵn sàng làm việc ngày đêm mới đi được đến đích.

43. Có nên cho phép dân biểu nhận các việc làm có thù lao khác không?
Những người ủng hộ lập trường này đưa ra những lý luận sau đây: người dân biểu không phải làm việc suốt cả năm, phụ cấp dân biểu không đủ sức hấp dẫn những người có tài dấn thân vào chính trường và một công việc ở ngoài sẽ giúp cho các dân biểu không mất liên lạc với thực tế. Thực ra không có lý luận nào ở trên là có lý. Dù rằng quốc hội không nhóm họp suốt cả năm nhưng công việc trong quốc hội rất bề bộn và đòi hỏi người ta phải làm việc liên tục, có nghĩa là, nếu muốn hoàn tất nhiệm vụ một cách đúng đắn người dân biểu lúc nào cũng phải ở trong tư thế sẵn sàng. Ðó là điều mà cử tri chờ đợi nơi người dân biểu. Bù lại cử tri cũng đã sẵn sàng trả thù lao cho dân biểu tùy theo chức vụ mà họ gánh vác cũng như đài thọ các chi phí cần thiết khác. Không có cách nào có thể giúp người dân biểu đi sát với thự tế hơn là việc tiếp xúc thường xuyên với cử tri thuộc mọi tầng lớp dân chúng, với những người đã bầu ra họ, và lắng nghe lời họ nói.

Còn một vấn đề phụ khác nhưng rất dễ xảy ra trong thực tế. Một vài nhóm hay tổ chức có thể trả lương cho dân biểu hay ký hợp đồng để vị này bảo vệ quyền lợi cho họ trong quốc hội. Loại dịch vụ này khó có thể chấp nhận được mặc dù nó rất phổ biến trong một số các quốc hội. Làm sao có thể biện bạch được rằng các dân biểu có thể đại diện cho quyền lợi của cử tri của họ trong khi mà họ cũng ăn lương để đại diện chính thức cho các nhóm quyền lợi (thường) có tầm hoạt động trên bình diện quốc gia? Việc bắt các dân biểu kê khai những nguồn thu nhập này chỉ là phương cách tạm bợ; tốt nhất là nên tuyệt đối cấm loại hoạt động này.

Vai trò của dân biểu rất đặc biệt vì nó có thể chấm dứt một cách đột ngột nếu không được cử tri bầu cho nữa. Ðiều này không có nghĩa là vị dân biểu đã thất bại trong nhiệm vụ của mình mà nhiều khi chỉ vì người lãnh đạo hay chương trình của chính đảng của họ không còn được lòng của cử tri nữa. Nói cho cùng tình trạng này cũng không khác hoàn cảnh của người công nhân làm trong lãnh vực tư nhân bị sa thải bất ngờ, không phải vì lý do năng suất mà vì nhu cầu thị trường. Trong cả hai trường hợp đó khổ chủ phải nhận được tiền bồi thường tương ứng với thời gian làm việc để có thể đi tìm việc làm mới. Hơn nữa họ phải nhận được quyền hoán chuyển tiền bồi thường này ra tiền hưu trí.

44. Làm thế nào để tận diệt tham nhũng chính trị?
Tham nhũng chính trị là việc lợi dụng chức quyền để làm giàu cho bản thân. Tham nhũng có thể xuất hiện ở mọi cấp trong hoạt động của chính quyền, bất kể đó là chính quyền của quốc gia nào. Ở tại các quốc gia dân chủ, nếu người ta nhắm mắt làm ngơ trước những hành động nhằm đem lại bổng lộc qua chức vụ, thí dụ như trong việc cho thầu các công trình công cộng hoặc trong việc cấp giấy phép thương mãi, thì những hành động này sẽ làm dân chúng dần dần mất tin tưởng vào người đại diện "chính quyền". Niềm tin của dân chúng vào dân chủ cũng sẽ bị thương tổn bởi người dân sẽ cho rằng dân chủ không xứng đáng để được bảo vệ hoặc xây dựng. Vì lẽ đó mà chúng ta phải bằng mọi cách để đối phó đúng mức với vấn đề tham nhũng chính trị. Và dù biết tham nhũng sẽ không thể bị tận diệt được, chúng ta vẫn phải làm mọi cách để giới hạn nó lại một cách tối đa.
Tham nhũng chính trị dễ có điều kiện để phát triển khi những người có chức vụ công cộng được trả lương tương đối ít hoặc ngược lại khi tham nhũng là phương cách duy nhất trong xã hội để họ tăng nguồn thu nhập. Tham nhũng cũng sinh sôi nẩy nở khi sự phát triển trong kinh tế tư nhân bị phụ thuộc vào những quyết định mờ ám của chính quyền và khi khả năng bị lộ tẩy hoặc bị trừng trị khó xảy ra. Khi tìm hiểu môi trường phát sinh tham nhũng như trên, chúng ta cũng đã phần nào thấy những phương thuốc chữa bệnh tham nhũng: trả lương tương xứng cho những người giữ các trách vụ công mặc dù cũng không cần phải trả lương quá cao so với mức lương trong các ngành nghề khác; đặt một khung luật pháp và thủ tục rõ ràng minh bạch cho toàn bộ các quyết định có thể đem lợi lại cho giới kinh tế tư nhân; và cuối cùng làm cho các hoạt động chính quyền trở nên minh bạch theo đúng như luật pháp đòi hỏi để các cơ quan tư pháp có thể điều tra khách quan khi có nghi ngờ gian lậu.
Phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa bệnh tham nhũng là việc xây dựng một tinh thần và truyền thống không quá chú tâm đến những lợi lộc cá nhân trong một nền kinh tế thị trường. Cần nói rõ rằng tất cả những biện pháp này, nhất là biện pháp cuối cùng vừa nêu, đều không thể đem ra áp dụng ở những nơi mà nạn tham nhũng đã bám rễ sâu và trở thành mãn tính.

45. Vai trò của bộ máy hành chính trong chế độ dân chủ
Ðể hàng ngày có thể điều hành công việc quốc gia, chính phủ phải dựa vào những công chức hành chánh cao cấp. Ðây là những người làm việc toàn thời gian nhưng không do dân bầu. Những công chức cao cấp này có hai nhiệm vụ. Thứ nhất, họ là những chuyên viên có thể đóng góp ý kiến về các chính sách và về việc soạn thảo các dự luật để đưa ra quốc hội. Thứ hai họ là người lãnh đạo nhân sự trong bộ máy hành chánh để thi hành các chính sách và áp dụng các đạo luật. Người ta chờ đợi họ sẽ thực thi hai chức năng này một cách có lương tâm và không thiên vị. Họ sẽ làm công việc này mà không chịu ảnh hưởng bởi (những) thế lực đang cầm quyền hoặc vào quan điểm của ngay cả chính cá nhân họ đối với chính sách đương thời. Nếu các chính phủ ngày nay không thể dựa trên một bộ máy hành chánh gồm những nhân sự chuyên nghiệp như vậy thì hoạt động của bộ máy hành chánh trong một chế độ dân chủ sẽ đụng phải một số các vấn đề khá đặc biệt, chẳng hạn như việc chỉ định những người chịu trách nhiệm về bộ máy hành chánh, cơ chế giám sát hoạt động của những công chức cao cấp hoặc thể thức tuyển chọn họ.
Vấn đề thứ nhất (chỉ định nhân sự) thực ra là mối bận tâm của các chính đảng. Họ sợ nếu để các công chức cao cấp được tự do lựa chọn việc áp dụng chính sách của chính đảng đang cầm quyền thì các công chức này có thể sẽ gây trở ngại hoặc có thể lợi dụng hiểu biết về các hồ sơ (mà chỉ có họ mới nắm vững) để cố vấn chệch hướng cho các bộ trưởng (thường không thông thạo các vấn đề bằng các cố vấn). Mối bận tâm này nhiều khi bị thổi phồng quá đáng. Phận sự của các công chức cao cấp là phải cho tiến hành việc đánh giá nghiêm chỉnh về các dự án của chính phủ dựa trên những ý kiến phản bác cũng như dựa trên những khó khăn mà dự án này có thể gây ra khi được đem ra áp dụng, vì chính họ cũng là người có nhiệm vụ thực thi các dự án này.
Vì thế họ thường bị hiểu lầm là cố ý cản chặn chính sách. Nhưng ngoài ra cũng còn có một vấn đề khác nữa: các công chức cao cấp có thể họp lại thành một tập thể tuy không được dân bầu nhưng lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc định hướng các chính sách nói chung và có thể lợi dụng ảnh hưởng này cho các mục đích phi dân chủ. Trong các chế độ dân chủ lâu đời, người ta dùng một trong hai phương thức sau đây để giới hạn sự rủi ro này lại. Phương cách thứ nhất cho phép thế lực cầm quyền được quyền bổ nhiệm một hay nhiều viên chức lãnh đạo bộ máy hành chánh trong các bộ. Người đảm nhiệm chức vụ này, trên nguyên tắc, sẽ bị thuyên chuyển sau mỗi kỳ thay đổi chính phủ. Phương cách thứ hai là thành lập văn phòng giúp đỡ cho bộ trưởng. Văn phòng này gồm những chuyên viên có thể giải thích về các hồ sơ một cách khác cho vị bộ trưởng nghe cũng như có thể kiểm soát một cách hoàn toàn độc lập về các ý kiến của các công chức cao cấp. Phải nói ngay rằng không có phương thức nào trong hai cách trên là hoàn hảo nhưng nói cho cùng chúng vẫn mang lại lợi nhiều hơn hại.
Vấn đề thứ hai là trách nhiệm của những công chức cao cấp. Mỗi bộ được xây dựng trên một hệ thống nhân sự có thứ bậc, chịu trách nhiệm tăng dần với vị bộ trưởng và chịu trách nhiệm thông qua vị bộ trưởng này với quốc hội. Người ta có thể đặt vấn đề một cách xác đáng rằng, trong một chế độ dân chủ, liệu các công chức cao cấp có còn phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước luật pháp, đối với quốc hội và công chúng, để trong một vài trường hợp nào đó, trách nhiệm này sẽ phải được đặt cao hơn sự phục tùng theo thứ bậc quyền hạn. Một công chức sẽ phải xử sự thế nào khi lệnh trên hàm chứa một sự vi phạm pháp luật, một sự lừa dối quốc hội hoặc sự xâm phạm đến quyền lợi của những người mà họ có bổn phận phải phục vụ? Những thí dụ vừa kể đã cho ta thấy những mâu thuẫn có thể xảy ra giữa hai loại trách nhiệm: giữa trách nhiệm của một công chức hành chánh và trách nhiệm của một công dân trong một chế độ dân chủ. Trong thực tế, nhiều công chức đã sử dụng phương cách cho rò rỉ thông tin để giải quyết thế kẹt này. Thực tế này lại càng cho thấy sự cần thiết phải cho thông qua một đạo luật nhằm bảo vệ những người cung cấp thông tin nằm trong bộ máy hành pháp.
Vấn đề thứ ba là phương thức tuyển chọn công chức hành chính cao cấp trong một chế độ dân chủ. Ðể bảo đảm phẩm chất, các công chức sẽ được tuyển chọn trong số các ứng viên có trình độ đại học hoặc được đào tạo và có khả năng chuyên môn thích ứng, khả dĩ không phụ thuộc vào thành phần đảng phái của họ. Nếu phương cách tuyển chọn này trong một chừng mực nào đó có thể bảo đảm rằng các ứng viên trúng tuyển thuộc về thành phần trí thức ưu tú thì người ta cần giữ để nó sao cho nó không chỉ ưu đãi một số thành phần xã hội nào đó. Trong một chế độ dân chủ, nhà chức trách cần phải phản ánh cấu trúc xã hội. Theo nguyên tắc bình đẳng chính trị thì mọi việc ở các công sở phải rộng mở đối với mọi người không phân biệt họ thuộc thành phần xã hội nào. Ðiều này đòi hỏi phải có những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa sự kỳ thị, để bảo đảm thực thi sự bình đẳng giữa các giới phái trong hệ thống giáo dục cũng như trong việc tuyển chọn công chức cho các cơ quan./.

- HẾT -

Không có nhận xét nào: